AdSense
Sản phẩm của Google cung cấp cách thức để nhà xuất bản trang web thuộc mọi quy mô kiếm tiền bằng cách hiển thị quảng cáo Google được nhắm mục tiêu trên trang web của họ.
- Nếu nhà xuất bản trang web được chấp thuận cho hiển thị quảng cáo Google Ads, Google sẽ cung cấp cho họ một đoạn mã để đặt trên trang web của họ. Nhà xuất bản chọn vị trí đặt quảng cáo và sau đó kiếm tiền khi khách truy cập nhấp vào (hoặc xem trong một số trường hợp) quảng cáo.
- Quảng cáo của bạn có thể hiển thị trên trang web AdSense khi bạn chạy chiến dịch trên Mạng hiển thị.
Analytics
Một sản phẩm miễn phí của Google cung cấp báo cáo chuyên sâu về cách mọi người sử dụng trang web của bạn. Bạn có thể sử dụng Google Analytics để tìm hiểu xem mọi người làm gì sau khi nhấp vào quảng cáo của bạn.
- Google Analytics cho bạn biết cách mọi người tìm thấy trang web của bạn và cách họ khám phá trang web. Từ thông tin này, bạn có thể nhận ý tưởng cho cách cải tiến trang web của mình.
- Nếu sử dụng Google Analytics và Google Ads cùng nhau, bạn có thể tìm hiểu về những hành động mà khách hàng đã thực hiện trên trang web của bạn sau khi nhấp vào quảng cáo. Sử dụng thông tin này để giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng trên trang web của bạn, từ đó có thể giúp bạn tăng số lượt chuyển đổi (như lượt bán hàng và lượt đăng ký) và lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo (ROAS) tổng thể.
- Để bắt đầu sử dụng Analytics thông qua tài khoản Google Ads, hãy nhấp vào biểu tượng công cụ, sau đó nhấp vào Google Analytics. Bạn cũng có thể sử dụng riêng Analytics
API Google Ads
Một tính năng nâng cao cho phép nhà quảng cáo tương tác và thực hiện thay đổi cho tài khoản Google Ads thông qua các ứng dụng họ tạo. Kể từ tháng 4 năm 2022, API AdWords sẽ không dùng được nữa và sẽ được thay thế bằng API Google Ads. Tìm hiểu thêm về việc chuyển sang API Google Ads.
- API AdWords và API Google Ads (giao diện lập trình ứng dụng) cho phép nhà phát triển tạo và sử dụng các ứng dụng tương tác trực tiếp với thông tin chi tiết về tài khoản của họ trên máy chủ Google Ads.
- API có thể giúp nhà quảng cáo quản lý hiệu quả các tài khoản và chiến dịch Google Ads lớn. Ví dụ: bạn có thể biên soạn dữ liệu Google Ads của mình để sử dụng với các hệ thống khác như khoảng không quảng cáo, tạo báo cáo thường xuyên, cũng như thực hiện điều chỉnh hàng loạt đối với các chiến dịch.
- Để sử dụng API, bạn sẽ cần một tài khoản người quản lý Google Ads và một mã của người phát triển.
- Các API này là một lựa chọn tốt cho các nhà quảng cáo có nhà phát triển hoặc lập trình viên có kỹ năng kỹ thuật. Nếu bạn không có những tài nguyên này nhưng vẫn muốn có thêm một công cụ để giúp quản lý các thay đổi lớn đối với tài khoản của mình, thì hãy dùng thử Google Ads Editor hoặc tập lệnh Google Ads.
Bản nháp chiến dịch: Định nghĩa
Bản nháp chiến dịch cho phép bạn chuẩn bị nhiều thay đổi đối với chiến dịch trên Mạng tìm kiếm hoặc Mạng hiển thị mà không ảnh hưởng đến hiệu suất của chiến dịch. Khi tạo một bản nháp, bạn sẽ lặp lại y chang quá trình thiết lập của chiến dịch.
- Bạn có thể cập nhật bản nháp của mình giống như khi cập nhật trong một chiến dịch bình thường.
- Sau khi hoàn thành bản nháp của mình, bạn có thể áp dụng bản nháp đó vào chiến dịch gốc hoặc tạo một thử nghiệm từ bản nháp để kiểm tra những thay đổi của bạn hoạt động như thế nào so với chiến dịch gốc.
Bảng thống kê: Định nghĩa
Biểu đồ có thể tùy chỉnh trong tài khoản Google Ads của bạn hiển thị dữ liệu hiệu suất chi tiết.
- Sử dụng bảng để xem các thống kê, chẳng hạn như số nhấp chuột, số lần hiển thị và tỷ lệ nhấp.
- Thêm hoặc xóa cột, phân đoạn và bộ lọc để chỉ xem dữ liệu quan trọng nhất đối với bạn.
- Tải xuống dữ liệu của bạn từ bảng thống kê dưới dạng báo cáo, lập lịch báo cáo định kỳ, đặt báo cáo để gửi qua email cho bạn và xuất báo cáo bằng nhiều định dạng.
Báo cáo cụm từ tìm kiếm: Định nghĩa
Danh sách những cụm từ mà rất nhiều người dùng đã tìm kiếm trước khi nhìn thấy quảng cáo của bạn. Hãy sử dụng báo cáo này để điều chỉnh các từ khóa của bạn sao cho chỉ những nội dung tìm kiếm phù hợp mới kích hoạt quảng cáo của bạn hiển thị.
- Báo cáo này thể hiện tất cả những cụm từ tìm kiếm đã kích hoạt quảng cáo của bạn hiển thị.
- Tùy thuộc vào tùy chọn so khớp từ khóa, cụm từ tìm kiếm được liệt kê có thể khác với danh sách từ khóa của bạn. Sử dụng báo cáo để tìm các cụm từ thành công mà bạn có thể thêm vào danh sách từ khóa của mình. Nếu quảng cáo của bạn đã được kích hoạt bởi những nội dung tìm kiếm ít có liên quan, thì hãy thêm các cụm từ đó làm từ khóa phủ định.
Băm: Định nghĩa
Băm là quá trình tạo ra một giá trị hoặc các giá trị từ một chuỗi văn bản bằng cách sử dụng một công thức toán học.
Kết quả thu được một giá trị được mã hóa, giúp bảo mật dữ liệu.
Bị từ chối: Định nghĩa
Một quảng cáo bị từ chối sẽ không hiển thị do vi phạm chính sách của Google Ads.
Bạn có thể tìm hiểu lý do tại sao một quảng cáo bị từ chối bằng cách xem cột “Trạng thái”. Nếu bạn khắc phục quảng cáo, quảng cáo đó sẽ được xem xét lại và có thể Đủ điều kiện để hiển thị nếu chúng tôi xác định rằng quảng cáo đó tuân thủ các chính sách của Google Ads.
Bộ lọc khoảng không quảng cáo: Định nghĩa
Một cách tùy chọn để loại trừ các sản phẩm nào trong tài khoản Google Merchant Center có thể xuất hiện cho Quảng cáo mua sắm sản phẩm.
Theo mặc định, Google sẽ so khớp tìm kiếm của mọi người với sản phẩm có liên quan từ toàn bộ khoảng không quảng cáo sản phẩm trong Google Merchant Center của bạn. Khi bạn sử dụng bộ lọc để xác định nhóm sản phẩm đủ điều kiện, Google sẽ chỉ hiển thị các sản phẩm từ tài khoản Google Merchant Center của bạn khớp với các nhóm sản phẩm mà bạn đã xác định.
Bộ lọc là tùy chọn và được đặt ở cấp chiến dịch.
Bộ lọc: Định nghĩa
Công cụ để tìm và chỉ hiển thị dữ liệu chiến dịch có liên quan nhất đến bạn.
Ví dụ: bạn có thể lọc từ khóa bằng cách sử dụng một từ cụ thể, giá thầu cao hơn số tiền cụ thể và tỷ lệ nhấp (CTR) thấp hơn mức trung bình của bạn.
Tùy chọn bộ lọc có sẵn tùy thuộc vào việc bạn đang xem bảng từ khóa, quảng cáo, nhóm quảng cáo hay chiến dịch.
Bộ nhớ cache
Lưu trữ dữ liệu tạm thời được trình duyệt Internet của bạn thu thập khi bạn lướt web, bao gồm những yếu tố từ các trang web mà bạn truy cập thường xuyên.
- Dữ liệu bộ nhớ cache có thể bao gồm bất kỳ thông tin gì từ mật khẩu đến phản hồi mà bạn đã nhập trong các biểu mẫu trực tuyến.
- Bạn có thể kiểm soát lưu trữ dữ liệu bộ nhớ cache của mình bằng cách chọn xóa dữ liệu bộ nhớ cache bất kỳ lúc nào.
- Đôi khi bộ nhớ cache đầy có thể gây khó khăn trong việc tải các trang web hoặc biểu mẫu nhất định, bao gồm một số trang web hoặc biểu mẫu mà bạn có thể sử dụng trong tài khoản Google Ads của mình. Khi điều này xảy ra, cách tốt nhất để khắc phục là xóa bộ nhớ cache của bạn để tạo chỗ trống cho bộ nhớ mới.
Chèn từ khóa
Tính năng nâng cao của Google Ads tự động cập nhật văn bản quảng cáo của bạn để bao gồm một trong các từ khóa của bạn khớp với cụm từ tìm kiếm của khách hàng.
- Để sử dụng tính năng này trong quảng cáo, bạn chèn một đoạn mã đặc biệt vào văn bản quảng cáo của mình. Sau đó, khi khách hàng sử dụng một trong các từ khóa của bạn trong tìm kiếm của họ, Google Ads sẽ tự động thay thế mã bằng từ khóa đã kích hoạt quảng cáo của bạn.
- Tính năng này cho phép bạn có một quảng cáo xuất hiện khác cho khách hàng tùy thuộc vào cụm từ tìm kiếm của họ, làm cho quảng cáo của bạn xuất hiện có liên quan và hữu ích hơn.
- Chèn từ khóa là tính năng nâng cao của Google Ads, do đó, hãy đảm bảo bạn thực hiện theo hướng dẫn một cách cẩn thận.
Chế độ xem đang kích hoạt
Chế độ xem đang kích hoạt là một công nghệ trên YouTube và một số ứng dụng cũng như trang web trên Mạng Hiển thị. Nó cho phép Google Ads xác định xem khách hàng tiềm năng có thể xem quảng cáo của bạn hay không. Bạn có thể dùng chỉ số Chế độ xem đang kích hoạt cho các chiến dịch Video và Hiển thị để hiểu rõ hơn về tần suất quảng cáo của bạn xuất hiện ở một vị trí mà mọi người có thể xem trên trang web, thiết bị hoặc ứng dụng.
Chỉ số Chế độ xem đang kích hoạt tuân thủ các tiêu chuẩn ngành hiện hành để đo lường khả năng xem của quảng cáo trực tuyến. Theo nguyên tắc của Hội đồng xếp hạng truyền thông, các tiêu chuẩn để đo lường khả năng xem của quảng cáo như sau:
- Một quảng cáo hiển thị được tính là có thể xem khi ít nhất 50% diện tích của quảng cáo đó xuất hiện trên màn hình trong ít nhất 1 giây.
- Đối với quảng cáo hiển thị lớn có kích thước 242.500 pixel trở lên, quảng cáo được tính là có thể xem khi ít nhất 30% diện tích của quảng cáo đó xuất hiện trong ít nhất 1 giây.
- Một quảng cáo dạng video được tính là có thể xem khi ít nhất 50% diện tích của quảng cáo xuất hiện trên màn hình trong ít nhất 2 giây khi video đang phát.
Chế độ xem mối liên kết
Một trong 2 cách để xem dữ liệu về phần mở rộng trong trang “Phần mở rộng”. Xin lưu ý rằng trang “Phần mở rộng” sẽ hiển thị thẻ tóm tắt trước tiên. Vì vậy, bạn phải nhấp vào biểu tượng bảng ở trên cùng để hiển thị “Chế độ xem mối liên kết”.
Xin lưu ý rằng bất cứ lúc nào bạn tạo một phần mở rộng (chẳng hạn như phần mở rộng về chú thích hoặc phần mở rộng về đoạn thông tin có cấu trúc), bạn đều có thể liên kết phần mở rộng đó với nhóm quảng cáo hay chiến dịch bất kỳ hoặc toàn bộ tài khoản của mình. Điều này có nghĩa là một phần mở rộng có thể có nhiều mối liên kết.
Trong “Chế độ xem mối liên kết”, mỗi hàng chứa dữ liệu dành cho một mối liên kết của phần mở rộng, bao gồm cả nhóm quảng cáo, chiến dịch hoặc tài khoản mà phần mở rộng đó liên kết. Nếu đã được liên kết với nhiều nhóm quảng cáo hoặc chiến dịch, phần mở rộng sẽ được liệt kê nhiều lần. Hãy sử dụng “Chế độ xem mối liên kết” để so sánh hiệu suất của một phần mở rộng giữa các mối liên kết với nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm hoặc xóa mối liên kết bằng cách đánh dấu vào hộp bên cạnh mối liên kết mà bạn muốn thay đổi, rồi sử dụng trình đơn thả xuống “Xóa” và “Thêm vào”.
Để xem dữ liệu về phần mở rộng không có thông tin về mối liên kết, hãy chuyển sang “Chế độ xem phần mở rộng”.
Chế độ xem phần mở rộng
Một trong 2 cách để xem dữ liệu về phần mở rộng trong trang “Phần mở rộng”. Xin lưu ý rằng trang “Phần mở rộng” sẽ hiển thị thẻ tóm tắt trước tiên. Vì vậy, bạn phải nhấp vào biểu tượng bảng ở trên cùng, rồi nhấp vào trình đơn thả xuống “Chế độ xem mối liên kết” và chọn “Chế độ xem phần mở rộng”.
Trong “Chế độ xem phần mở rộng”, mỗi hàng chứa dữ liệu dành cho một phần mở rộng, được tổng hợp trên tất cả mối liên kết của phần mở rộng đó. Mỗi phần mở rộng được liệt kê một lần ở hàng riêng. Hãy sử dụng “Chế độ xem phần mở rộng” để so sánh hiệu suất của các phần mở rộng với nhau.
Xin lưu ý rằng bất cứ lúc nào bạn tạo một phần mở rộng (chẳng hạn như phần mở rộng về chú thích hoặc phần mở rộng về đoạn thông tin có cấu trúc), bạn đều có thể liên kết phần mở rộng đó với nhóm quảng cáo hay chiến dịch bất kỳ hoặc toàn bộ tài khoản của mình. Điều này có nghĩa là một phần mở rộng có thể có nhiều mối liên kết. Để xem các mối liên kết này, hãy chuyển sang “Chế độ xem mối liên kết”.
Chi phí đã lập hóa đơn: Định nghĩa
Chi phí đã lập hóa đơn là số tiền thực tế mà bạn phải trả sau khi hệ thống đã điều chỉnh các mục (như hoạt động không hợp lệ) cho tài khoản của bạn.
Chi phí mỗi lượt nhấp (CPC) thực tế: Định nghĩa
Chi phí mỗi lượt nhấp thực tế (CPC thực tế) là số tiền cuối cùng mà bạn phải trả cho một lượt nhấp. Thông thường, bạn sẽ bị tính phí ít hơn — đôi khi ít hơn nhiều — so với giá thầu chi phí mỗi lượt nhấp tối đa (CPC tối đa), là số tiền cao nhất mà bạn thường sẽ phải trả cho một lượt nhấp.
CPC thực tế thường thấp hơn CPC tối đa. Lý do là vì với phiên đấu giá Google Ads, bạn chỉ cần trả số tiền tối thiểu cần thiết để vượt qua ngưỡng Thứ hạng quảng cáo và vượt qua Thứ hạng quảng cáo của đối thủ cạnh tranh ngay bên dưới bạn. Nếu không có đối thủ cạnh tranh nào ngay bên dưới bạn (ví dụ: nếu không có đối thủ cạnh tranh nào khác ngoài bạn vượt qua ngưỡng Thứ hạng quảng cáo), thì bạn chỉ cần trả giá khởi điểm. (Hãy xem ngưỡng Thứ hạng quảng cáo để tìm hiểu thêm). Xin lưu ý rằng CPC thực tế của bạn có thể cao hơn CPC tối đa nếu bạn bật chiến lược CPC Nâng cao hoặc đặt một mức điều chỉnh giá thầu.
Cách hoạt động
Chúng tôi kết hợp chất lượng quảng cáo tại thời điểm đấu giá (bao gồm tỷ lệ nhấp dự kiến, mức độ liên quan của quảng cáo và trải nghiệm trang đích), giá thầu CPC tối đa, ngưỡng Thứ hạng quảng cáo, tính cạnh tranh của phiên đấu giá, ngữ cảnh tìm kiếm của người dùng và mức độ tác động dự kiến của phần mở rộng cũng như định dạng quảng cáo khác để xác định Thứ hạng quảng cáo. Khi ước tính mức độ tác động dự kiến của phần mở rộng và định dạng quảng cáo, chúng tôi sẽ xem xét các yếu tố như mức độ liên quan, tỷ lệ nhấp dự kiến và sự nổi bật của phần mở rộng hoặc định dạng trên trang kết quả tìm kiếm. Sau đó, chúng tôi sẽ sử dụng Thứ hạng quảng cáo của từng nhà quảng cáo để xác định vị trí quảng cáo xuất hiện cũng như loại phần mở rộng và định dạng quảng cáo khác sẽ xuất hiện cùng với quảng cáo (hoặc liệu quảng cáo hay định dạng quảng cáo đó có xuất hiện hay không).
Đối với quảng cáo trên Mạng Tìm kiếm, ngưỡng Thứ hạng quảng cáo (và CPC thực tế thu được) đối với quảng cáo phía trên kết quả tìm kiếm thường cao hơn nhằm duy trì trải nghiệm chất lượng cao và giúp đảm bảo rằng CPC thực tế phản ánh giá trị của vị trí quảng cáo nổi bật. Do đó, CPC thực tế khi bạn xuất hiện phía trên kết quả tìm kiếm thường cao hơn CPC thực tế khi bạn xuất hiện bên dưới kết quả tìm kiếm, ngay cả khi không có nhà quảng cáo nào khác ở ngay bên dưới bạn. Mặc dù bạn có thể phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi lượt nhấp, nhưng những quảng cáo ở trên cùng thường có tỷ lệ nhấp cao hơn và có thể cho phép bạn hiển thị một số phần mở rộng quảng cáo nhất định cũng như các tính năng khác chỉ dành cho vị trí quảng cáo trên cùng. Như thường lệ, bạn sẽ không bao giờ bị tính phí nhiều hơn giá thầu CPC tối đa (trừ khi bạn đang sử dụng các công cụ đặt giá thầu tự động).
Ngoài ra, xin lưu ý rằng tính cạnh tranh của phiên đấu giá quảng cáo có thể ảnh hưởng đến chi phí mỗi lượt nhấp thực tế của bạn. Nếu hai quảng cáo cạnh tranh cho cùng một vị trí có thứ hạng quảng cáo giống nhau, thì các quảng cáo sẽ có cơ hội như nhau để giành được vị trí đó. Nhưng nếu sự khác biệt về thứ hạng quảng cáo giữa hai nhà quảng cáo tăng lên, thì quảng cáo có thứ hạng cao hơn sẽ có khả năng giành chiến thắng hơn, nhưng cũng có thể trả chi phí mỗi lượt nhấp cao hơn. Phương pháp đặt giá động này cũng áp dụng cho mỗi vị trí quảng cáo dưới trang kết quả tìm kiếm. Theo cách này, chi phí mỗi lượt nhấp thực tế của bạn không chỉ chịu ảnh hưởng từ những đối thủ ngay dưới bạn mà bởi cả từ những đối tượng dưới những đối tượng đó.
Ví dụ:
Dưới đây là một ví dụ đơn giản về cách hoạt động của Thứ hạng quảng cáo và CPC thực tế. Ví dụ này không giải thích cho tất cả các yếu tố Thứ hạng quảng cáo và yếu tố về giá được thảo luận ở trên, mà nhằm mục đích cung cấp cho bạn thông tin tổng quan về các thuật toán của chúng tôi:
Giả sử năm nhà quảng cáo đang cạnh tranh cho tối đa bốn vị trí quảng cáo phía trên kết quả tìm kiếm trên trang kết quả tìm kiếm của Google. Mức Xếp hạng quảng cáo tương ứng của mỗi nhà quảng cáo là 80, 50, 30, 10 và 5.
Nếu giả sử mức Xếp hạng quảng cáo tối thiểu cần thiết để hiển thị phía trên kết quả tìm kiếm là 40, thì chỉ có hai nhà quảng cáo đầu tiên (có mức Xếp hạng quảng cáo là 80 và 50) vượt qua ngưỡng tối thiểu và hiển thị phía trên kết quả tìm kiếm. Nhà quảng cáo có mức Xếp hạng quảng cáo 80 chỉ trả tiền (Ví dụ: được làm tròn đến đơn vị có thể lập hóa đơn gần nhất, ở Hoa Kỳ là 0,01 đô la) để đánh bại nhà quảng cáo có mức Xếp hạng quảng cáo 50. Vì không có đối thủ cạnh tranh nào khác đủ điều kiện nên nhà quảng cáo có mức Xếp hạng quảng cáo 50 chỉ trả đủ để đánh bại mức Xếp hạng quảng cáo tối thiểu là 40.
Nếu mức Xếp hạng quảng cáo tối thiểu cần thiết để hiển thị bên dưới trong kết quả tìm kiếm là 8, thì hai trong số ba nhà quảng cáo còn lại (có mức Xếp hạng quảng cáo là 30 và 10) sẽ hiển thị bên dưới trong kết quả tìm kiếm. Nhà quảng cáo có mức Xếp hạng quảng cáo 30 sẽ xuất hiện ở vị trí đầu tiên bên dưới trong kết quả tìm kiếm và sẽ chỉ trả đủ để đánh bại nhà quảng cáo có mức Xếp hạng quảng cáo 10. Nhà quảng cáo có mức Xếp hạng quảng cáo 10 sẽ hiển thị bên dưới nhà quảng cáo đó và sẽ chỉ trả đủ để đánh bại mức Xếp hạng quảng cáo tối thiểu là 8. Nhà quảng cáo có Thứ hạng quảng cáo là 5 không đáp ứng điều kiện về Thứ hạng quảng cáo tối thiểu và do đó sẽ không xuất hiện.
Đối với một số quảng cáo nhất định trên Mạng Hiển thị, CPC thực tế sẽ khác so với mô tả. Hãy tìm hiểu thêm về phiên đấu giá quảng cáo trên Mạng Hiển thị.
Chi phí mỗi nghìn lượt hiển thị (CPM): Định nghĩa
Đây là cách đặt giá thầu mà bạn trả tiền cho mỗi nghìn lượt xem (lượt hiển thị) trên Mạng Hiển thị của Google.
Chiến lược đặt giá thầu CPM có thể xem (vCPM) đảm bảo rằng bạn chỉ trả tiền khi mọi người có thể xem quảng cáo của bạn. Giá thầu CPM hiện tại sẽ được tự động chuyển đổi thành vCPM, nhưng bạn nên cập nhật giá thầu của mình vì các lượt hiển thị có thể xem có thể có giá trị hơn.
Chi phí mỗi nghìn lượt hiển thị mục tiêu (tCPM): Định nghĩa
Đây là cách đặt giá thầu mà bạn đặt số tiền trung bình mà bạn có thể trả cho mỗi nghìn lượt hiển thị quảng cáo (số tiền này là CPM mục tiêu). Chúng tôi sẽ tối ưu hóa giá thầu bằng cách sử dụng CPM mục tiêu (tCPM) của bạn để giúp bạn có được phạm vi tiếp cận duy nhất rộng nhất có thể. Một số lượt hiển thị có thể tốn chi phí nhiều hơn hoặc thấp hơn tCPM của bạn, nhưng Google Ads sẽ cố gắng giữ cho CPM trung bình của chiến dịch bằng hoặc thấp hơn tCPM mà bạn đặt.
Bạn có thể sử dụng giá mỗi nghìn lượt hiển thị mục tiêu cho các chiến dịch video trong Google Ads. Đối với chiến dịch theo trình tự quảng cáo dạng video, tCPM sẽ tối ưu hóa cho số lần hoàn thành theo trình tự (có nghĩa là chiến lược này sẽ tối ưu hóa để tối đa hóa số người dùng xem toàn bộ trình tự) thay vì phạm vi tiếp cận duy nhất.
Chi phí mỗi nhấp chuột (CPC)
Đặt giá thầu chi phí mỗi nhấp chuột (CPC) có nghĩa là bạn trả tiền cho mỗi nhấp chuột vào quảng cáo của mình. Đối với chiến dịch đặt giá thầu CPC, bạn đặt giá thầu chi phí mỗi nhấp chuột tối đa – hay đơn giản là “CPC t.đa” – là số tiền cao nhất mà bạn muốn trả cho một nhấp chuột vào quảng cáo của mình (trừ khi bạn đặt điều chỉnh giá thầu hoặc sử dụng CPC nâng cao).
- CPC t.đa là số tiền cao nhất bạn sẽ bị tính phí cho một nhấp chuột, nhưng thông thường bạn sẽ bị tính phí ít hơn — đôi khi ít hơn nhiều. Số tiền cuối cùng bạn bị tính phí cho một nhấp chuột đó được gọi là CPC thực tế.
- Nếu bạn nhập giá thầu CPC t.đa và người nào đó nhấp vào quảng cáo của bạn, nhấp chuột đó sẽ không tính phí bạn nhiều hơn số tiền giá thầu CPC tối đa mà bạn đã đặt.
- Bạn sẽ chọn giữa đặt giá thầu thủ công (bạn chọn số tiền giá thầu của mình) và đặt giá thầu tự động (cho phép Google đặt giá thầu để cố gắng nhận được nhiều nhấp chuột nhất trong phạm vi ngân sách của bạn).
- Đặt giá CPC đôi khi được gọi là trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột (PPC).
Chi phí phân phát: Định nghĩa
Chi phí phân phát là chi phí của tất cả các lượt nhấp hoặc lượt hiển thị mà chiến dịch nhận được.
Chi phí trung bình cho mỗi lượt nhấp (CPC trung bình): Định nghĩa
Số tiền trung bình mà bạn phải trả cho một lượt nhấp vào quảng cáo của mình. Chi phí trung bình cho mỗi lượt nhấp (CPC trung bình) được tính bằng cách chia tổng chi phí của các lượt nhấp mà bạn nhận được cho tổng số lượt nhấp.
- CPC trung bình được tính dựa trên chi phí mỗi lượt nhấp thực tế (CPC thực tế). CPC thực tế là số tiền thực tế mà bạn phải trả cho một lượt nhấp vào quảng cáo của mình. Xin lưu ý rằng CPC trung bình của bạn có thể khác với chi phí tối đa cho mỗi lượt nhấp (CPC tối đa). CPC tối đa là số tiền cao nhất mà bạn có thể trả cho một lượt nhấp.
- Dưới đây là ví dụ về cách tính CPC trung bình. Giả sử quảng cáo của bạn nhận được hai lượt nhấp, một lượt nhấp có chi phí là $0,2 và một lượt nhấp có chi phí là $0,4 và tổng chi phí là $0,6. Bạn sẽ chia $0,6 (tổng chi phí) cho 2 (tổng số lượt nhấp) để có được CPC trung bình là $0,3.
- Bạn có thể tìm thấy số tiền CPC trung bình của mình trong cột “CPC trung bình” trong Chiến dịch.
- Đối với Quảng cáo khách sạn, đôi khi, CPC trung bình có thể cao hơn CPC tối đa do CPC tối đa được nhân với số đêm trong hành trình. Ví dụ: nếu CPC tối đa được đặt ở mức $2, thì chi phí cao nhất cho một lượt nhấp đối với thời gian lưu trú 1 đêm là $2. Đối với thời gian lưu trú 3 đêm, chi phí tối đa cho một lượt nhấp là 6 đô la. CPC trung bình sẽ thể hiện mức giá đầy đủ mà bạn trả cho mỗi lượt nhấp.
- Bạn vừa mới bắt đầu và muốn biết số tiền trung bình mà bạn có thể phải trả cho một lượt nhấp? Bạn có thể sử dụng Công cụ lập kế hoạch từ khóa để có được số tiền CPC trung bình ước tính cho các chiến dịch trên Mạng tìm kiếm của mình.
Chiến dịch đã kết thúc: Định nghĩa
Chiến dịch quảng cáo đã qua ngày kết thúc và không còn chạy quảng cáo nữa.
- Bạn chọn ngày kết thúc cho mỗi chiến dịch quảng cáo để cho biết khi nào chiến dịch phải ngừng chạy. Khi chiến dịch đến ngày kết thúc, tất cả quảng cáo trong chiến dịch sẽ ngừng chạy.
- Bạn có thể thay đổi ngày kết thúc của chiến dịch bất cứ lúc nào, ngay cả khi đã qua ngày đó.
- Bạn sẽ thấy thông tin về trạng thái hiện tại của chiến dịch được liệt kê trong cột “Trạng thái” trên trang “Chiến dịch”. Bạn cũng có thể thấy trạng thái “Chiến dịch đã kết thúc” được liệt kê bên cạnh nhóm quảng cáo, quảng cáo và từ khóa là một phần của chiến dịch này.
Chiến dịch đang chờ xử lý: Định nghĩa
Chiến dịch quảng cáo có ngày bắt đầu trong tương lai và chưa bắt đầu chạy quảng cáo.
- Bạn có thể chọn ngày bắt đầu cho mỗi chiến dịch quảng cáo nếu bạn chiến dịch bắt đầu chạy vào một ngày cụ thể. Khi chiến dịch đến ngày bắt đầu, quảng cáo trong chiến dịch có thể bắt đầu chạy.
- Khi chiến dịch đến ngày bắt đầu, quảng cáo trong chiến dịch có thể bắt đầu chạy vào lúc 12:00 của ngày đó.
- Bạn có thể thay đổi ngày bắt đầu của chiến dịch bất kỳ lúc nào trước khi đến ngày bắt đầu đó.
Để biết thêm thông tin về trạng thái chiến dịch, bao gồm cả cách tìm trạng thái chiến dịch
Chiến dịch: Định nghĩa
Tập hợp các nhóm quảng cáo (quảng cáo, từ khóa và giá thầu) chia sẻ ngân sách, nhắm mục tiêu theo vị trí và các cài đặt khác. Chiến dịch thường được sử dụng để tổ chức danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.
- Tài khoản Google Ads của bạn có thể có một hoặc nhiều chiến dịch quảng cáo đang chạy.
- Mỗi chiến dịch chứa một hoặc nhiều nhóm quảng cáo.
- Các cài đặt mà bạn có thể đặt ở cấp chiến dịch bao gồm ngân sách, ngôn ngữ, vị trí, phân phối cho Mạng Google và các cài đặt khác.
- Bạn có thể tạo các chiến dịch quảng cáo riêng biệt để chạy quảng cáo tại các vị trí khác nhau hoặc sử dụng ngân sách khác nhau.
Chiến lược đặt giá thầu CPA mục tiêu: Định nghĩa
Chiến lược đặt giá thầu tự động đặt giá thầu để giúp bạn nhận được nhiều lượt chuyển đổi nhất có thể ở mức giá mỗi hành động (CPA) mục tiêu mà bạn đã đặt.
- Nếu mục tiêu quảng cáo chính của bạn là nhận được lượt chuyển đổi (như lượt bán hàng, lượt đăng ký hoặc lượt tải ứng dụng dành cho thiết bị di động xuống), thì chiến lược đặt giá thầu CPA mục tiêu có thể giúp bạn tự động nhận được nhiều lượt chuyển đổi hơn trong phạm vi ngân sách của mình. Chiến lược này cũng có thể giúp bạn nhận được nhiều lượt bán hàng hơn với số tiền phải trả ít hơn cho các lượt nhấp dẫn đến các lượt mua hàng đó.
- Chiến lược đặt giá thầu CPA mục tiêu sử dụng dữ liệu theo dõi lượt chuyển đổi của bạn để giúp bạn tránh các lượt nhấp không sinh lời và nhận được nhiều lượt chuyển đổi hơn với mức chi phí thấp hơn. Dựa trên lịch sử chuyển đổi của chiến dịch, chiến lược đặt giá thầu CPA mục tiêu sẽ tự động tìm giá thầu chi phí mỗi lượt nhấp (CPC) tối ưu cho quảng cáo của bạn mỗi khi quảng cáo đó đủ điều kiện hiển thị. Chiến lược này đặt giá thầu CPC cao hơn cho các lượt nhấp có giá trị hơn và đặt giá thầu CPC thấp hơn cho các lượt nhấp có ít giá trị hơn.
- Chiến lược đặt giá thầu CPA mục tiêu yêu cầu bạn phải đặt CPA mục tiêu (số tiền trung bình bạn muốn trả cho một lượt chuyển đổi). Trình mô phỏng CPA mục tiêu có thể giúp bạn ước tính mức độ ảnh hưởng của những thay đổi về CPA mục tiêu đối với số lượt chuyển đổi mà bạn nhận được.
- Một tính năng tương tự là CPC nâng cao (ECPC). Tính năng này cũng có thể giúp bạn nhận được nhiều lượt bán hàng hơn hoặc các lượt chuyển đổi khác. Điểm khác biệt chính là ECPC điều chỉnh giá thầu CPC tối đa mà bạn đã đặt theo cách thủ công, trong khi CPA mục tiêu tự động tạo giá thầu để thử và đáp ứng CPA mục tiêu của bạn.
- Hành động tương tác với quảng cáo TrueView cho hành động được xác định dưới dạng lượt nhấp vào quảng cáo hoặc lượt xem quảng cáo trong ít nhất 10 giây. Nếu cả hai hành động cùng xảy ra, thì hệ thống chỉ tính lượt nhấp. Lượt xem quảng cáo video trong ít nhất 10 giây được xem là hành động dẫn đến lượt chuyển đổi trên trang web nếu lượt chuyển đổi đó xảy ra trong vòng 3 ngày kể từ ngày xảy ra lượt tương tác. Đối với những người dùng nhấp vào quảng cáo, lượt chuyển đổi đó sẽ vẫn được phân bổ trong thời lượng chuyển đổi hiện tại của bạn.
Chiến lược đặt giá thầu thông minh: Định nghĩa
Một phần nhỏ trong các chiến lược đặt giá thầu tự động giúp tối ưu hóa cho lượt chuyển đổi hoặc giá trị chuyển đổi. Chiến lược đặt giá thầu thông minh sử dụng công nghệ máy học để tối ưu hóa giá thầu nhằm tối đa hóa số lượt chuyển đổi và giá trị chuyển đổi trên toàn chiến dịch hoặc danh mục đặt giá thầu. Các chiến lược đặt giá thầu thông minh gồm CPA mục tiêu, Lợi tức mục tiêu trên chi tiêu quảng cáo, Tối đa hóa lượt chuyển đổi và Tối đa hóa giá trị chuyển đổi.
Ngoài khả năng máy học, Chiến lược đặt giá thầu thông minh còn có 3 ưu điểm chính sau đây:
- Nhiều tín hiệu để điều chỉnh giá thầu cho phù hợp với ngữ cảnh riêng của người dùng. Các tín hiệu này bao gồm thiết bị, vị trí, thời gian trong ngày, danh sách tiếp thị lại, trình duyệt, ngôn ngữ, v.v. Tìm hiểu thêm về tín hiệu đặt giá thầu.
- Các tùy chọn kiểm soát linh hoạt cho phép bạn đặt mục tiêu hiệu suất để kiểm soát hiệu quả đặt giá thầu và tối ưu hóa giá thầu cho quảng cáo dạng tìm kiếm cho mô hình phân bổ mà bạn đã chọn.
- Tính năng báo cáo minh bạch và thông tin cập nhật về trạng thái để giúp bạn kiểm tra mức độ hiệu quả của Chiến lược đặt giá thầu thông minh, cũng như giúp bạn biết những gì đang diễn ra trong chiến lược giá thầu của mình.
Chiến lược giá thầu danh mục đầu tư: Định nghĩa
Một chiến lược giá thầu tự động, định hướng mục tiêu nhóm nhiều chiến dịch, nhóm quảng cáo và từ khóa lại với nhau.
Chiến lược giá thầu danh mục đầu tư tự động đặt giá thầu để giúp bạn đạt được các mục tiêu hiệu suất. Loại chiến lược này bao gồm các chiến lược Đặt giá thầu thông minh sau: CPA mục tiêu, ROAS mục tiêu, Tối đa hóa lượt chuyển đổi, Tối đa hóa giá trị chuyển đổi, Tối đa hóa số lượt nhấp và Tỷ lệ hiển thị mục tiêu.
- Khi bạn tạo chiến lược danh mục đầu tư, chiến lược đó sẽ được lưu trữ trong Thư viện chia sẻ của bạn. Đây là vị trí trung tâm để quản lý chiến lược giá thầu danh mục đầu tư của bạn và theo dõi hiệu suất của các chiến lược đó.
- Chiến lược giá thầu danh mục đầu tư trước đây còn gọi là “chiến lược giá thầu linh hoạt”.
Chiến lược giá thầu tự động: Định nghĩa
Một chiến lược giá thầu tự động đặt giá thầu cho quảng cáo của bạn dựa trên khả năng quảng cáo mang lại lượt nhấp hoặc lượt chuyển đổi. Mỗi loại chiến lược giá thầu tự động được thiết kế để giúp bạn đạt được một mục tiêu cụ thể cho doanh nghiệp của mình.
- Tính năng đặt giá thầu tự động sẽ tự động đặt giá thầu sao cho phù hợp với các mục tiêu hiệu suất của bạn nên bạn sẽ không phải thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và phỏng đoán giá thầu nữa. Không giống như phương pháp Đặt giá thầu CPC thủ công, bạn không cần phải tự tay cập nhật giá thầu cho các nhóm quảng cáo hoặc từ khóa cụ thể.
- Các loại chiến lược giá thầu tự động khác nhau có thể giúp bạn tăng số lượt nhấp, khả năng hiển thị trong kết quả tìm kiếm, số lượt chuyển đổi hoặc giá trị chuyển đổi.
- Chiến lược đặt giá thầu thông minh là chiến lược đặt giá thầu tự động dựa trên lượt chuyển đổi hoặc dựa trên giá trị và sẽ đặt giá thầu duy nhất cho mỗi phiên đấu giá, dựa trên thông tin có sẵn tại thời điểm đấu giá. Thông tin này bao gồm thời gian trong ngày, quảng cáo cụ thể đang được hiển thị hoặc thiết bị, địa điểm, trình duyệt và hệ điều hành của người dùng.
- Chiến lược giá thầu tự động học hỏi trong quá trình chạy, sử dụng thông tin về hiệu suất của một giá thầu để đặt giá thầu phù hợp trong tương lai.
- Bạn có thể đặt chiến lược đặt giá thầu tự động ở cấp danh mục đầu tư cho nhiều chiến dịch hoặc một chiến lược giá thầu chuẩn ở cấp chiến dịch.
Chính sách quảng cáo
Các nguyên tắc dành cho quảng cáo, từ khóa và trang web của bạn. Bạn sẽ không thể chạy những quảng cáo vi phạm chính sách của chúng tôi.
- Truy cập vào Trung tâm chính sách Google Ads để xem lại các nguyên tắc có thể áp dụng cho bạn.
- Chính sách quảng cáo của Google được thiết kế để nâng cao trải nghiệm tốt cho những người đang xem quảng cáo của chúng tôi, nhằm giúp bạn đạt được thành công với quảng cáo của mình, đồng thời đảm bảo rằng quảng cáo tuân thủ các điều luật hiện hành ở quốc gia mà quảng cáo hiển thị.
- Tất cả quảng cáo sẽ trải qua quy trình phê duyệt để đảm bảo quảng cáo là an toàn và phù hợp cho người dùng. Mỗi khi bạn tạo quảng cáo mới hoặc thực hiện các thay đổi cho quảng cáo hiện tại, quảng cáo sẽ tự động được gửi để xem xét nhằm đảm bảo rằng quảng cáo tuân thủ chính sách quảng cáo của chúng tôi.
- Những quảng cáo mà chúng tôi phát hiện là đang vi phạm các chính sách này sẽ được đánh dấu là Bị từ chối hoặc Bị tạm ngưng. Đồng thời, những quảng cáo này sẽ không thể chạy khi có trạng thái trên.
Chỉnh sửa nội dòng: Định nghĩa
Một cách để thay đổi quảng cáo, từ khóa, vị trí, giá thầu và các cài đặt khác của bạn trong bảng hiệu suất.
- Chỉnh sửa nội dòng cho phép bạn thực hiện các thay đổi nhanh mà không phải truy cập trang mới.
- Bạn có thể thay đổi ngân sách hàng ngày, quảng cáo, từ khóa, vị trí và giá thầu. Nếu một ô có thể chỉnh sửa thì ô đó sẽ hiển thị biểu tượng bút chì. Nhấp vào ô để chỉnh sửa giá trị của ô.
- Khi bạn chỉnh sửa một từ khóa, vị trí hoặc quảng cáo, số liệu thống kê hiệu suất của nó sẽ được đặt lại thành 0.
- Khi bạn chỉnh sửa giá thầu từ khóa hoặc URL trang đích của từ khóa, số liệu hiệu suất vẫn được giữ nguyên.
Chuyển đổi: Định nghĩa
Một hành động được tính khi ai đó tương tác với quảng cáo hoặc trang thông tin miễn phí về sản phẩm của bạn (ví dụ: nhấp vào quảng cáo dạng văn bản hoặc xem quảng cáo dạng video), sau đó thực hiện một hành động mà bạn đã xác định là có giá trị đối với doanh nghiệp của mình (chẳng hạn như hành động mua hàng trực tuyến hoặc gọi điện đến doanh nghiệp từ điện thoại di động).
Các lượt chuyển đổi được đo lường bằng tính năng theo dõi lượt chuyển đổi. Bạn có thể sử dụng các quy trình theo dõi khác nhau để đo lường lượt chuyển đổi, tùy thuộc vào hành động mà ai đó thực hiện khi tương tác với quảng cáo hoặc trang thông tin miễn phí của bạn. Hệ thống có thể theo dõi lượt chuyển đổi trên nhiều nền tảng (như thiết bị di động hoặc máy tính) và lượt chuyển đổi có thể bao gồm cả lượt chuyển đổi được mô hình hóa. Phương pháp đo lượt chuyển đổi được mô hình hóa sử dụng dữ liệu không nhận dạng người dùng cá nhân để ước tính số lượt chuyển đổi mà Google không thể quan sát trực tiếp. Do đó, bạn có thể nhận được báo cáo hoàn chỉnh hơn về lượt chuyển đổi của mình.
Cookie: Định nghĩa
Một tệp nhỏ được lưu trên máy tính của người dùng để giúp lưu trữ các lựa chọn ưu tiên và các thông tin khác được sử dụng trên các trang web mà họ truy cập.
- Cookie có thể lưu cài đặt của mọi người trên các trang web nhất định và đôi khi có thể được sử dụng để theo dõi cách khách truy cập vào và tương tác với các trang web.
- Google sử dụng cookie theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: cả tính năng tiếp thị lại và Google Analytics đều sử dụng cookie để làm những việc như chạy quảng cáo và trang thông tin miễn phí về sản phẩm, hoặc theo dõi mức độ thành công của bạn.
- Tính năng theo dõi lượt chuyển đổi của Google Ads cũng sử dụng cookie. Để giúp bạn theo dõi lượt bán hàng và các lượt chuyển đổi khác từ quảng cáo và trang thông tin miễn phí, tính năng theo dõi lượt chuyển đổi sẽ thêm cookie vào máy tính của một người dùng khi người đó nhấp vào quảng cáo hoặc trang thông tin.
- Đôi khi, cookie có thể gây ra sự cố khi bạn đang đăng nhập hoặc di chuyển trong tài khoản Google Ads của mình. Khi điều này xảy ra, cách tốt nhất để khắc phục sự cố này là xóa bộ nhớ đệm và cookie được lưu cho trình duyệt Internet của bạn.
Công cụ lập kế hoạch từ khóa: Định nghĩa
Công cụ lập kế hoạch từ khóa là công cụ cung cấp ý tưởng từ khóa và số liệu ước tính về lưu lượng truy cập để giúp bạn tạo chiến dịch Tìm kiếm.
- Tìm kiếm ý tưởng từ khóa và ý tưởng nhóm quảng cáo dựa trên các cụm từ mô tả sản phẩm hay dịch vụ, trang web của bạn hoặc một danh mục sản phẩm có liên quan đến nội dung bạn đang quảng cáo. Bạn cũng có thể nhập hoặc tải lên danh sách từ khóa. Và bạn có thể nhân hai hoặc nhiều danh sách từ khóa để tạo danh sách mới kết hợp các từ khóa của bạn.
- Nhận thống kê lịch sử, như số lần mọi người đã tìm kiếm một từ khóa hoặc mức độ cạnh tranh của từ khóa đó.
- Bạn cũng có thể nhận được số liệu ước tính về lưu lượng truy cập, như số lượt nhấp và số lượt hiển thị mà từ khóa của bạn có thể thu hút trong phạm vi số tiền giá thầu và ngân sách nhất định.
Công cụ xem trước và chẩn đoán quảng cáo
Đây là một công cụ trong tài khoản của bạn giúp xác định lý do tại sao quảng cáo hoặc phần mở rộng quảng cáo có thể không xuất hiện. Công cụ này cũng cho phép bạn xem trước trang kết quả tìm kiếm của Google cho một cụm từ cụ thể. Điều này giúp bạn biết quảng cáo và phần mở rộng nào đang xuất hiện cho từ khóa của mình. Khi bạn nhập cụm từ tìm kiếm và các tiêu chí khác như ngôn ngữ và vị trí, công cụ này sẽ cho bạn biết quảng cáo có đủ điều kiện xuất hiện trong trường hợp đó hay không.
- Công cụ Xem trước và chẩn đoán quảng cáo sẽ tự động đề xuất các chữ trong cụm từ tìm kiếm khi bạn nhập. Các đề xuất xuất phát từ các từ khóa mang lại lượt hiển thị trong tài khoản của bạn, được sắp xếp theo số lượng.
- Hãy dử dụng công cụ này để kiểm tra xem liệu phần mở rộng quảng cáo có đang hiển thị cùng với quảng cáo cho một từ khóa cụ thể hay không. Nếu bất kỳ phần mở rộng nào của bạn không hiển thị, thì công cụ này sẽ cho bạn biết lý do có thể khiến chúng không hiển thị.
- Sử dụng tính năng ‘Chia sẻ nội dung tìm kiếm này’ để đánh dấu các nội dung tìm kiếm cụ thể hoặc gửi URL đến đồng nghiệp hoặc khách hàng để họ cũng có thể xem kết quả tìm kiếm của Google cho tìm kiếm cụ thể này. Xin lưu ý rằng kết quả tìm kiếm mà công cụ này trả về có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ: bản xem trước quảng cáo của bạn có thể không còn xuất hiện trong công cụ khi chiến dịch đạt đến ngân sách trung bình hằng ngày.
Nếu muốn xem quảng cáo xuất hiện như thế nào trong kết quả tìm kiếm, bạn nên sử dụng công cụ này thay vì thực hiện tìm kiếm trên Google. Bạn sẽ thấy kết quả giống hệt như kết quả tìm kiếm của Google, nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến số liệu thống kê về hiệu quả hoạt động của bạn bằng cách tích lũy số lượt hiển thị quảng cáo mỗi khi bạn tìm kiếm quảng cáo của mình.
CPA trung bình: Định nghĩa
Số tiền trung bình mà bạn đã bị tính phí cho một lượt chuyển đổi từ quảng cáo của mình. Giá mỗi hành động (CPA) trung bình được tính bằng cách chia tổng chi phí chuyển đổi cho tổng số lượt chuyển đổi.
- Ví dụ: nếu quảng cáo của bạn nhận được 2 lượt chuyển đổi, một lượt chuyển đổi có giá $2,00 và một lượt chuyển đổi có giá $4,00 thì CPA trung bình của bạn cho các lượt chuyển đổi đó là $3,00.
- CPA trung bình dựa trên CPA thực tế của bạn (số tiền thực tế bạn sẽ bị tính cho một chuyển đổi từ quảng cáo của mình), CPA này có thể khác với CPA mục tiêu (số tiền bạn đã đặt làm CPA trung bình mong muốn nếu sử dụng Đặt giá thầu CPA mục tiêu.
- Sử dụng mục tiêu hiệu suất để thiết lập mục tiêu CPA trung bình cho tất cả chiến dịch trong nhóm chiến dịch.
CPC nâng cao (ECPC): Định nghĩa
Là chiến lược giá thầu điều chỉnh giá mỗi lượt nhấp (CPC) để giúp tối đa hóa lượt chuyển đổi hoặc giá trị chuyển đổi. ECPC kết hợp chiến lược đặt giá thầu thủ công với chiến lược Đặt giá thầu thông minh như CPA mục tiêu hoặc ROAS mục tiêu. Chiến lược này tăng giá thầu thủ công của bạn trong trường hợp dường như có nhiều khả năng dẫn đến lượt bán hàng hoặc lượt chuyển đổi khác trên trang web của bạn, đồng thời giảm giá thầu cho các trường hợp dường như ít có khả năng dẫn đến lượt chuyển đổi. Bạn cũng có thể thử nghiệm ECPC cùng với hệ thống đặt giá thầu của bên thứ ba để có tính năng Đặt giá thầu thông minh ở mức độ giới hạn.
Khi bạn đặt ECPC để tối ưu hóa cho lượt chuyển đổi:
- ECPC sẽ điều chỉnh giá thầu của bạn mỗi khi quảng cáo đủ điều kiện xuất hiện, dựa trên khả năng lượt nhấp dẫn đến lượt chuyển đổi.
- ECPC có thể giúp bạn nhận được nhiều lượt chuyển đổi hơn trong khi vẫn giữ nguyên hoặc giảm giá của mỗi chuyển đổi.
- ECPC hoạt động hơi khác so với Chiến dịch mua sắm. Tìm hiểu cách thiết lập ECPC cho Chiến dịch mua sắm
Khi bạn đặt ECPC để tối ưu hóa cho giá trị chuyển đổi:
- ECPC điều chỉnh giá thầu của bạn mỗi khi quảng cáo đủ điều kiện xuất hiện tùy theo khả năng lượt nhấp dẫn đến lượt chuyển đổi và giá trị chuyển đổi tương ứng. Tìm hiểu thêm về giá trị chuyển đổi
- ECPC có thể giúp bạn nhận được nhiều lượt chuyển đổi có giá trị cao trong khi vẫn giữ nguyên hoặc giảm giá của mỗi chuyển đổi.
- Chiến lược ECPC cho giá trị chuyển đổi chỉ có thể sử dụng cho Chiến dịch tìm kiếm.
Danh sách khách hàng: Định nghĩa
Danh sách khách hàng được tạo bằng cách tải tệp dữ liệu khách hàng CSV lên giao diện người dùng Google Ads hoặc thông qua Google Ads API (AdWords API) và được sử dụng để nhắm mục tiêu đối tượng.
Bạn có thể chỉnh sửa danh sách khách hàng bằng cách xóa người dùng cụ thể, thêm người dùng khác hoặc xóa toàn bộ danh sách.
Dữ liệu được băm: Định nghĩa
Dữ liệu được băm sẽ ánh xạ chuỗi ký tự gốc thành dữ liệu có độ dài cố định. Một thuật toán sẽ tạo dữ liệu được băm, điều này sẽ giúp bảo vệ tính bảo mật của văn bản gốc.
Dữ liệu khách hàng: Định nghĩa
Dữ liệu khách hàng là thông tin khách hàng mà bạn đã thu thập được với tư cách bên thứ nhất—ví dụ: thông tin mà bạn đã thu thập được từ các trang web, ứng dụng, cửa hàng thực của bạn hoặc các trường hợp khác khi khách hàng trực tiếp chia sẻ thông tin của họ với bạn.
Có nhiều loại dữ liệu khách hàng, một số loại dữ liệu phổ biến là địa chỉ email, tên, họ, số điện thoại và quốc gia cư trú.
Dữ liệu sản phẩm: Định nghĩa
Thông tin chi tiết về sản phẩm mà bạn gửi tới Google Merchant Center. Dữ liệu sản phẩm của bạn được dùng để hiển thị quảng cáo động, trang thông tin miễn phí về sản phẩm và Quảng cáo mua sắm khi bạn chạy chiến dịch Google Ads.
- Để gửi dữ liệu sản phẩm cho chúng tôi, bạn cần phải thiết lập nguồn cấp dữ liệu cho thông tin sản phẩm của mình trong tài khoản Google Merchant Center. Sau đó, hãy liên kết tài khoản Merchant Center của bạn với Google Ads.
- Bên trong dữ liệu sản phẩm của mình, bạn sẽ đặt các thuộc tính, chẳng hạn như “điều kiện” và “tình trạng còn hàng” để mô tả sản phẩm và thông tin chi tiết về cách bạn đang bán sản phẩm đó. Để giúp mọi người trên web tìm thấy các mặt hàng của bạn một cách dễ dàng hơn, điều quan trọng là bạn phải mô tả chính xác các mặt hàng của mình bằng cách sử dụng các thuộc tính có sẵn.
- Cùng với các chính sách tiêu chuẩn dành cho trang thông tin miễn phí, còn có một số Chính sách về Quảng cáo mua sắm liên quan đến cách sử dụng từng thuộc tính và tần suất cập nhật dữ liệu sản phẩm của bạn. Hãy nhớ xem xét kỹ các chính sách và đảm bảo rằng bạn hiểu các yêu cầu đó.
Đang được xem xét: Định nghĩa
Đây là trạng thái mà chúng tôi chỉ định cho những quảng cáo đang được xem xét để đảm bảo những quảng cáo đó an toàn, phù hợp và tuân thủ các chính sách quảng cáo.
Đăng nhập nhiều tài khoản: Định nghĩa
Đăng nhập nhiều tài khoản giúp bạn quản lý nhiều tài khoản cùng một lúc, giúp tiết kiệm thời gian và làm cho việc so sánh các tài khoản dễ dàng hơn.
Bạn có thể đăng nhập và chuyển đổi giữa nhiều Tài khoản Google cùng một lúc, trong cùng một trình duyệt. Ví dụ: bạn có thể mở tài khoản Google Ads và Gmail cá nhân của mình cùng một lúc.
Bạn cũng có thể sử dụng một Tài khoản Google để quản lý tối đa 5 tài khoản Google Ads khác.
Đặt giá thầu CPC thủ công
Phương pháp đặt giá thầu cho phép bạn đặt chi phí mỗi nhấp chuột (CPC) tối đa cho quảng cáo của mình. Cách này khác với các chiến lược giá thầu tự động, sẽ đặt số tiền của giá thầu thay cho bạn.
- Đặt giá thầu CPC thủ công cho phép bạn kiểm soát để đặt số tiền tối đa mà bạn có thể trả cho mỗi nhấp chuột vào quảng cáo của mình.
- Bạn bắt đầu bằng cách đặt giá thầu giá tối đa mỗi nhấp chuột (CPC) cho toàn bộ nhóm quảng cáo của mình (được gọi là giá thầu mặc định), nhưng bạn cũng có thể đặt giá thầu riêng cho các từ khóa hoặc vị trí riêng lẻ. Ví dụ: nếu bạn nhận thấy rằng các từ khóa nhất định có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn, bạn có thể sử dụng đặt giá thầu thủ công để phân bổ nhiều ngân sách quảng cáo hơn cho các từ khóa đó.
- Nếu không chắc chắn từ khóa hoặc vị trí nào có khả năng sinh lời nhất hoặc nếu không có thời gian để dành cho việc quản lý giá thầu thủ công, thì thay vào đó hãy cân nhắc sử dụng chiến lược giá thầu Tối đa hóa số nhấp chuột. Tối đa hóa số nhấp chuột là chiến lược giá thầu tự động tự động đặt giá thầu của bạn để giúp nhận được nhiều nhấp chuột nhất có thể trong phạm vi ngân sách của bạn.
Địa chỉ email thay thế
Địa chỉ email bổ sung mà bạn có thể sử dụng để đăng nhập vào Tài khoản Google. Xem cách cho phép địa chỉ email khác truy cập vào tài khoản Google Ads.
- Nếu bạn thêm địa chỉ email thay thế vào tài khoản của mình, bạn có thể đăng nhập vào Tài khoản Google không chỉ bằng địa chỉ email bạn đã sử dụng khi thiết lập tài khoản mà còn bằng địa chỉ email thay thế. Bạn sẽ sử dụng cùng một mật khẩu để đăng nhập cùng với một trong hai địa chỉ email.
- Với một số sản phẩm của Google, mọi người sẽ có thể nhìn thấy cả địa chỉ email chính và địa chỉ email thay thế của bạn.
- Bạn có thể thêm, loại bỏ và thay đổi địa chỉ email thay thế bất kỳ lúc nào trên Tài khoản Google tại accounts.google.com.vn
Địa chỉ IP
Số duy nhất được gán cho mỗi máy tính hoặc thiết bị khác kết nối Internet.
- Địa chỉ Giao thức internet (IP) được Nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chỉ định cho các thiết bị Internet. Đôi khi, ISP chỉ định cùng một địa chỉ IP cho một số lượng lớn máy tính. Kết quả là nhiều máy tính có thể có địa chỉ IP giống nhau.
- Địa chỉ IP thường có thể được sử dụng để nhận dạng vị trí mà từ đó máy tính kết nối Internet. Khi bạn đặt nhắm mục tiêu theo vị trí cho chiến dịch quảng cáo của mình, địa chỉ IP giúp Google Ads biết khách hàng nào dường như đang sử dụng máy tính trong vùng được nhắm mục tiêu của bạn
- Bạn có thể sử dụng Loại trừ IP để giúp ngăn quảng cáo của bạn hiển thị cho một địa chỉ IP cụ thể.
Địa chỉ IP xuất hiện như thế nào
Địa chỉ IP có thể xuất hiện ở các dạng sau:
Tên phiên bản | Mẫu | Mô tả |
---|---|---|
IPv4 | x.x.x.x |
x đại diện cho dãy số từ 0 đến 255 được gọi là octet. Mỗi địa chỉ IPv4 phải chứa 3 dấu chấm và 4 octet. |
IPv6 | y : y : y : y : y : y : y : y |
y đại diện cho mục được gọi là phân đoạn và có thể là giá trị bất kỳ từ 0000 đến FFFF sử dụng các số từ 0 đến 9 và các chữ cái từ A đến F. Phải có 8 phân đoạn, mỗi phân đoạn được phân tách bằng dấu hai chấm — không phải dấu chấm. |
Điều chỉnh giá thầu: Định nghĩa
Giá thầu của bạn có thể tăng hoặc giảm theo tỷ lệ phần trăm. Mức điều chỉnh giá thầu cho phép bạn hiển thị quảng cáo của mình thường xuyên hơn hoặc ít thường xuyên hơn dựa trên vị trí, thời điểm và cách mọi người tìm kiếm.
Bạn cũng có thể điều chỉnh giá thầu dựa trên hiệu quả hoạt động của quảng cáo, qua đó lợi tức đầu tư (ROI) của bạn cũng có thể gia tăng.
Số tiền chi tiêu của bạn cho các lượt nhấp riêng lẻ có thể khác nhau (vì giá thầu tăng hoặc giảm theo các mức điều chỉnh mà bạn đã đặt), nhưng tổng ngân sách trung bình hằng ngày của bạn sẽ không thay đổi.
Định dạng quảng cáo
Các cải tiến hình ảnh đối với quảng cáo đi kèm kết quả tìm kiếm hiển thị nổi bật hơn thông tin về doanh nghiệp của bạn, chẳng hạn như số điện thoại hoặc tên miền của trang web trong dòng tiêu đề. Những cải tiến này, thường xuất hiện trong quảng cáo phía trên kết quả tìm kiếm, có thể bao gồm nội dung bổ sung từ trang web của bạn hoặc nội dung bên thứ ba có liên quan. Bạn có thể thêm những cải tiến này theo cách thủ công hoặc các cải tiến có thể được hệ thống định dạng tự động của chúng tôi thêm vào.
- Loại định dạng quảng cáo phổ biến nhất là tiện ích quảng cáo. Một số ví dụ về tiện ích quảng cáo bao gồm chú thích vị trí (đính kèm địa chỉ doanh nghiệp với quảng cáo) và liên kết trang web (bao gồm liên kết bổ sung đến các phần nội dung có liên quan khác từ các trang bổ sung trong trang web).
- Hệ thống định dạng tự động của Google có thể hiển thị thông tin bổ sung từ trang web của bạn hoặc nội dung bên thứ ba có liên quan khác dọc theo quảng cáo.
- Hệ thống tự động của Google cũng có thể làm nổi bật thông tin có liên quan trong quảng cáo của bạn để giúp mọi người tìm thấy doanh nghiệp của bạn dễ dàng hơn. Ví dụ: trên một số quảng cáo phía trên kết quả tìm kiếm, nếu dòng mô tả đầu tiên của bạn là một cụm từ hoặc một câu hoàn chỉnh, chúng tôi có thể hiển thị một phần mô tả trong dòng tiêu đề, dẫn đến dòng mô tả dài hơn, dễ được nhận thấy hơn mà vẫn sử dụng các từ bạn đã chọn cho quảng cáo của mình.
- Quảng cáo mua sắm của Google không được xem là định dạng quảng cáo.
Định dạng quảng cáo video ngoài luồng: Định nghĩa
Quảng cáo video ngoài luồng của Google Ads mở rộng phạm vi tiếp cận quảng cáo của bạn trên web, đồng thời cho phép người dùng lựa chọn cách họ tương tác với quảng cáo.
Quảng cáo ngoài luồng phát:
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu. Vị trí trong trang hoặc vị trí “gốc” giúp bạn thu hút được nhiều người chú ý đến những quảng cáo này hơn cũng như thu hút thêm người dùng nghĩ đến thương hiệu của bạn.
- Chỉ thiết bị di động. Được thiết kế cho hành vi trên thiết bị di động và máy tính bảng nên người dùng có thể dễ dàng nhấn để bật âm thanh, cuộn qua hoặc nhấp qua.
- Giá trị lớn. Bạn được tính phí cho quảng cáo ngoài luồng phát dựa trên giá mỗi nghìn lần hiển thị có thể xem (vCPM), vì vậy bạn sẽ chỉ bị tính phí khi có ai đó xem video của bạn phát trong hai giây trở lên.
- Dễ quản lý. Tạo chiến dịch của bạn, nhập nhắm mục tiêu, chọn video của bạn, thêm biểu trưng với hai dòng văn bản và bạn đã sẵn sàng.
Bạn có thể tạo quảng cáo ngoài luồng phát trong Google Ads bằng cách sử dụng “Loại chiến dịch Video”.
Cách tính phí
Với quảng cáo ngoài luồng phát, bạn sẽ thanh toán trên mỗi một nghìn lần hiển thị có thể xem của quảng cáo video (vCPM). Quảng cáo được tính là “có thể xem được” khi 50% không gian màn hình quảng cáo hiển thị từ hai giây trở lên.
Định nghĩa về tính năng chỉnh sửa hàng loạt
Cách chỉnh sửa nhiều nội dung trong tài khoản của bạn cùng một lúc. Việc sử dụng tính năng chỉnh sửa hàng loạt giúp bạn tiết kiệm thời gian bằng cách cập nhật đồng thời nhiều mục trong một chiến dịch hoặc nhiều chiến dịch.
Google Ads cung cấp nhiều công cụ và tính năng để giúp bạn thực hiện chỉnh sửa hàng loạt trong tài khoản của mình. Các tùy chọn chỉnh sửa có sẵn sẽ tùy thuộc vào việc bạn sử dụng công cụ hoặc tính năng nào.
Thông thường, bạn có thể chỉnh sửa hàng loạt cho tài khoản của mình bằng cách sử dụng những công cụ hoặc tính năng sau đây:
- Google Ads: Chọn nhiều mục trong Google Ads và thực hiện thay đổi cho tất cả các mục đó cùng lúc. Hãy tìm hiểu cách Thực hiện thay đổi bằng tính năng chỉnh sửa hàng loạt. Lưu ý: Nếu đang sử dụng tài khoản người quản lý, bạn có thể chỉnh sửa hàng loạt cho bất kỳ tài khoản nào trong hệ thống phân cấp của tài khoản người quản lý đó.
- Tải lên hàng loạt: Tải một bảng tính có chứa thông tin chi tiết về các từ khóa, quảng cáo, nhóm quảng cáo, chiến dịch, nhóm sản phẩm hoặc thông tin thanh toán của bạn. Bạn có thể thực hiện các thay đổi khi đang ngoại tuyến và tải bảng tính lên để áp dụng những thay đổi này cho tài khoản Google Ads của mình. Hãy tìm hiểu cách Thực hiện thay đổi bằng tính năng tải lên hàng loạt.
- Google Ads Editor: Ứng dụng miễn phí, có thể tải xuống này cho phép bạn quản lý tài khoản Google Ads của mình khi không có mạng. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa hàng loạt cho các chiến dịch, nhóm quảng cáo, từ khóa và thành phần khác, sau đó tải những thay đổi này lên lại Google Ads khi bạn đã sẵn sàng. Hãy tìm hiểu thêm trong bài viết Giới thiệu về Google Ads Editor.
- API Google Ads (API AdWords): API Google Ads (API AdWords) (giao diện lập trình ứng dụng) cho phép nhà phát triển tạo các ứng dụng tương tác trực tiếp với máy chủ Google Ads. Thông qua các ứng dụng này, nhà quảng cáo và bên thứ ba có thể quản lý các tài khoản Google Ads lớn hoặc phức tạp cũng như tương tác với dữ liệu bên ngoài một cách hiệu quả và sáng tạo hơn.
- Tập lệnh Google Ads: Các tập lệnh cho phép bạn thực hiện các thay đổi tự động trong tài khoản Google Ads. Khi sử dụng mã JavaScript, bạn có thể trực tiếp thay đổi giá thầu, tạm dừng nhóm quảng cáo và thêm từ khóa bằng các tập lệnh đã viết thay vì thực hiện theo cách thủ công trong tài khoản Google Ads. Hãy tìm hiểu thêm về tập lệnh trong bài viết Dễ dàng thực hiện các thay đổi tự động trong Google Ads
Độ mạnh của quảng cáo: Định nghĩa
Độ mạnh của quảng cáo ước tính mức độ liên quan, số lượng và tính đa dạng của nội dung quảng cáo. Việc đảm bảo quảng cáo có nội dung liên quan và độc đáo có thể giúp bạn hiển thị quảng cáo phù hợp cho khách hàng tiềm năng và cải thiện hiệu suất của quảng cáo.
Đối sánh chính xác phủ định: Định nghĩa
Cài đặt từ khóa cho phép bạn loại trừ quảng cáo cho những tìm kiếm cụm từ khóa chính xác—mà không có thêm từ. Quảng cáo của bạn vẫn có thể hiển thị cho các tìm kiếm bao gồm các cụm từ khóa có thêm từ.
Đối sánh cụm từ phủ định: Định nghĩa
Cài đặt từ khóa cho phép bạn loại trừ quảng cáo cho những tìm kiếm bao gồm cụm từ chính xác đó. Tìm kiếm có thể bao gồm các từ bổ sung và quảng cáo sẽ không hiển thị miễn là từ khóa được bao gồm trong tìm kiếm theo cùng một thứ tự.
Đối tác hiển thị
Trang web trong Mạng hiển thị hợp tác với Google để hiển thị quảng cáo.
- Quảng cáo của bạn có thể xuất hiện trên các trang web của đối tác, ứng dụng trên điện thoại di động và các vị trí khác mà bạn chọn hoặc có liên quan đến quảng cáo và từ khóa của bạn hoặc các phương pháp nhắm mục tiêu khác mà bạn đã thêm vào.
- Xem các đối tác hiển thị nào đã hiển thị quảng cáo của bạn bằng cách xem vị trí tự động và vị trí được quản lý được liệt kê trong chiến dịch.
- Bạn có thể chọn không hiển thị quảng cáo của mình trên đối tác hiển thị bằng cách chọn không tham gia Mạng hiển thị.
Đối tác tìm kiếm: Định nghĩa
Các trang web trong Mạng tìm kiếm hợp tác với Google để hiển thị quảng cáo và trang thông tin miễn phí về sản phẩm. Đối tác tìm kiếm sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của quảng cáo và trang thông tin trên Google Tìm kiếm đến hàng trăm trang web không phải của Google, cũng như YouTube và các trang web khác của Google.
Trên trang web của đối tác tìm kiếm, quảng cáo và trang thông tin của bạn có thể xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm, trang thư mục trang web hoặc các trang khác có liên quan đến nội dung tìm kiếm của một người.
Nội dung khiêu dâm
Google cung cấp các phiên bản đã dịch của Trung tâm trợ giúp để mang lại sự thuận tiện, dù các bản dịch đó không có ý làm thay đổi nội dung chính sách của chúng tôi. Phiên bản tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức mà chúng tôi sử dụng để thực thi các chính sách của mình. Để xem bài viết này bằng ngôn ngữ khác, bạn hãy sử dụng trình đơn ngôn ngữ thả xuống ở cuối trang.
Người dùng Display & Video 360 phải tuân thủ chính sách Google Ads này. Hãy truy cập vào Trung tâm trợ giúp Display & Video 360 để biết thêm các quy định hạn chế khác.
Quảng cáo phải tôn trọng các lựa chọn ưu tiên của người dùng và tuân thủ các quy định pháp lý. Chúng tôi hạn chế một số loại nội dung khiêu dâm nhất định trong quảng cáo và đích đến. Những nội dung đó sẽ chỉ hiển thị trong những trường hợp giới hạn dựa trên cụm từ tìm kiếm của người dùng, độ tuổi của người dùng và luật pháp địa phương ở nơi quảng cáo được phân phát. Quảng cáo không được nhắm mục tiêu đến trẻ vị thành niên.
Các danh mục bị hạn chế nghiêm ngặt
Các quảng cáo bao gồm hoặc quảng bá các loại nội dung khiêu dâm sau đây bị hạn chế nghiêm ngặt. Quảng cáo sẽ chỉ phân phát dựa trên các điều kiện sau:
- Độ tuổi của người dùng, luật pháp địa phương nơi quảng cáo đang được phân phát và tùy chọn cài đặt Tìm kiếm an toàn của người dùng.
- Các cụm từ tìm kiếm có nội dung khiêu dâm của người dùng.
Ảnh khỏa thân
Người hoặc vật tượng trưng cho người để lộ các vùng kín trên cơ thể, bao gồm cả các vật tượng trưng được làm mờ hoặc che đi
Ví dụ: Bộ phận sinh dục, ngực hoặc mông của phụ nữ
Hẹn hò quan hệ tình dục
Hẹn hò có động cơ rõ ràng là quan hệ tình dục
Ví dụ: Gặp gỡ để làm tình hoặc hẹn hò, trang web hẹn hò trao đổi bạn tình
Các danh mục bị hạn chế vừa phải
Quảng cáo bao gồm hoặc quảng bá các loại danh mục nội dung khiêu dâm sau đây bị hạn chế vừa phải. Quảng cáo sẽ chỉ phân phát dựa trên các điều kiện sau:
- Độ tuổi của người dùng, luật pháp địa phương nơi quảng cáo đang được phân phát và tùy chọn cài đặt Tìm kiếm an toàn của người dùng.
Ảnh khỏa thân một phần
Người hoặc vật tượng trưng cho người để lộ một phần vùng kín trên cơ thểVí dụ: Để lộ đường cong phía dưới hoặc phía ngoài bộ ngực phụ nữ, để lộ phần lớn mông
Hẹn hò theo chủ đề tình dục
Hẹn hò có động cơ rõ ràng là chủ đề tình dụcVí dụ: Hẹn hò ngoại tình, hẹn hò ái vật
Sản phẩm tình dục
Bán hàng hóa nhằm mục đích tăng cường hoạt động tình dục
Ví dụ: Đồ chơi tình dục, chất bôi trơn, thuốc kích dục, thuốc tăng cường hoạt động tình dục, đồ lót khêu gợ
Giải trí tình dục
Giải trí khiêu dâm trực tuyến hoặc ngoại tuyến
Ví dụ: Câu lạc bộ múa thoát y, liên hoan phim người lớn, trò chuyện trực tiếp hoặc phát trực tiếp khiêu dâm, trò chơi nhập vai khiêu dâm
Thủ thuật giải phẫu thẩm mỹ
Dịch vụ thẩm mỹ và phẫu thuật thẩm mỹ tập trung vào các vùng kín trên cơ thể
Ví dụ: Nâng ngực, phẫu thuật kéo dài dương vật, trẻ hóa âm đạo bằng laser, nâng mông, cắt tỉa lông vùng kín
Các yếu tố và chủ đề khiêu dâm
Văn bản, hình ảnh, âm thanh hoặc video có thể được hiểu là nhằm mục đích khiêu dâm hoặc kích dục. Nội dung có chứa những kiểu hoặc tư thế khiêu dâm
Ví dụ: Ngôn ngữ dâm dục hoặc khiêu dâm, hình ảnh có đôi chân dang rộng, hành động chạm vào các vùng kín đã được che đi trên cơ thể, hành động bắt chước các tư thế hoặc động tác quan hệ tình dục, hẹn hò cho những đối tượng chung bao gồm hình ảnh khiêu dâm
Các quy định hạn chế theo quốc gia
Những quốc gia bạn không được phân phát mọi nội dung khiêu dâm: | Những quốc gia bạn không được phân phát nội dung bị hạn chế nghiêm ngặt: |
Algeria Bahrain Djibouti Ai Cập Ấn Độ Iran Iraq Jordan Kuwait Liban Libya Morocco Oman Palestine Qatar Ả Rập Xê Út Syria Tunisia Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Yemen |
Trung Quốc Đức Hong Kong Indonesia Malaysia Peru Philippines Nga Singapore Hàn Quốc Đài Loan Thái Lan Ukraina Việt Nam |
Ngoài các yêu cầu trên, quảng cáo của bạn phải tuân thủ luật pháp địa phương ở những khu vực mà chiến dịch của bạn nhắm mục tiêu.
Hiệu lực của chính sách
Nếu quảng cáo của bạn đáp ứng các yêu cầu ở trên và đủ điều kiện, thì dưới đây là thông tin chi tiết về cách quảng cáo có thể chạy.
Nền tảng quảng cáo | |
---|---|
Quảng cáo nội dung khiêu dâm không thể chạy: AdMob |
Quảng cáo nội dung khiêu dâm có thể chạy Google Ads |
Mạng quảng cáo | |
---|---|
Quảng cáo nội dung khiêu dâm không thể chạy: Mạng Hiển thị |
Quảng cáo nội dung khiêu dâm có thể chạy: Mạng Tìm kiếm của Google |
Định dạng quảng cáo |
---|
Quảng cáo nội dung khiêu dâm không thể chạy, mặc dù định dạng quảng cáo được chấp nhận có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như nền tảng mà bạn đang sử dụng, trạng thái của quảng cáo, cũng như việc liệu nhà xuất bản hoặc đối tác có chọn hiển thị những quảng cáo như vậy hay không:Quảng cáo ứng dụng và Phần mở rộng về ứng dụng |
Đủ điều kiện (có giới hạn): Định nghĩa
Google cung cấp các phiên bản đã dịch của Trung tâm trợ giúp để mang lại sự thuận tiện, dù các bản dịch đó không có ý làm thay đổi nội dung chính sách của chúng tôi. Phiên bản tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức mà chúng tôi sử dụng để thực thi các chính sách của mình. Để xem bài viết này bằng ngôn ngữ khác, bạn hãy sử dụng trình đơn ngôn ngữ thả xuống ở cuối trang.
Một trạng thái được gán cho quảng cáo tuân thủ chính sách của chúng tôi nhưng bị giới hạn về vị trí và thời điểm mà quảng cáo có thể hiển thị.
Quảng cáo sẽ được đánh dấu là “Đủ điều kiện (có giới hạn)” khi các chính sách của Google Ads (các ví dụ thường gặp bao gồm Rượu, Bản quyền, Cờ bạc, Chăm sóc sức khỏe và Nhãn hiệu) ngăn một số loại quảng cáo hiển thị ở một số khu vực, cho một số độ tuổi hoặc trên một số thiết bị. Quảng cáo sẽ không hiển thị trên thiết bị di động nếu trang đích hoạt động kém hiệu quả trên thiết bị di động.
Đủ điều kiện (giới hạn tất cả các vị trí): Định nghĩa
Đây là một trạng thái được cấp cho những quảng cáo tuân thủ chính sách của chúng tôi nhưng không thể xuất hiện ở những vị trí bạn đã nhắm mục tiêu do các quy định hạn chế trong chính sách và tùy chọn cài đặt nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, quảng cáo có thể xuất hiện cho những người quan tâm đến các vị trí bạn đã nhắm mục tiêu.
Quảng cáo sẽ được đánh dấu là “Đủ điều kiện (giới hạn tất cả các vị trí)” khi các chính sách của Google Ads (thường là các chính sách về Rượu, Bản quyền, Cờ bạc, Chăm sóc sức khỏe và Nhãn hiệu) ngăn một số loại quảng cáo cụ thể xuất hiện ở những vị trí bạn đã nhắm mục tiêu.
Bạn có thể làm gì
Dưới đây là một số bước mà bạn có thể thực hiện:
-
Nếu bạn muốn quảng cáo xuất hiện ở những vị trí bạn đã nhắm mục tiêu, thì hãy chỉnh sửa quảng cáo để quảng cáo đó tuân thủ các yêu cầu trong chính sách cho vị trí bạn đã nhắm mục tiêu.
-
Điều chỉnh tùy chọn cài đặt vị trí của chiến dịch để nhắm mục tiêu các vị trí được phép.
-
Thử so sánh các tùy chọn nhắm mục tiêu theo vị trí để tìm ra tùy chọn phù hợp với bạn. Ví dụ: nếu bạn không muốn quảng cáo xuất hiện cho những người ở ngoài các vị trí bạn đã nhắm mục tiêu, thì hãy nhớ nhắm mục tiêu Người dùng ở những vị trí bạn đã nhắm mục tiêu trong tùy chọn cài đặt “Vị trí” của chiến dịch.
Bạn có thể chọn tạm dừng quảng cáo bất cứ lúc nào trong khi thực hiện các bước cần thiết để chỉnh sửa quảng cáo của mình.
Đủ điều kiện: Định nghĩa
Google cung cấp các phiên bản đã dịch của Trung tâm trợ giúp để mang lại sự thuận tiện, dù các bản dịch đó không có ý làm thay đổi nội dung chính sách của chúng tôi. Phiên bản tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức mà chúng tôi sử dụng để thực thi các chính sách của mình. Để xem bài viết này bằng ngôn ngữ khác, bạn hãy sử dụng trình đơn ngôn ngữ thả xuống ở cuối trang.
Trạng thái được cấp cho những quảng cáo đã được xem xét và có thể chạy. Quảng cáo tuân thủ chính sách của Google Ads nên có thể hiển thị cho mọi đối tượng.
Để đủ điều kiện, quảng cáo phải tuân thủ chính sách của Google Ads. Hãy tìm trạng thái của quảng cáo bằng cách xem cột “Trạng thái”.
Đường dẫn
Các trường “Đường dẫn” là một phần của URL hiển thị trong quảng cáo dạng văn bản mở rộng. URL này thường hiển thị ở dạng văn bản màu xanh lá cây, phía dưới dòng tiêu đề và phía trên dòng mô tả. Các trường này giúp khách hàng tiềm năng biết được họ sẽ được chuyển đến nơi nào trên trang web của bạn sau khi nhấp vào quảng cáo. Vì vậy, văn bản bạn nhập vào các trường này cần mô tả chi tiết hơn sản phẩm hoặc dịch vụ được mô tả trong quảng cáo. Các đường dẫn không phải lúc nào được hiển thị. Bạn không bắt buộc phải điền vào trường này và mỗi đường dẫn có thể có tối đa 15 ký tự.
Nếu bạn nhập văn bản đường dẫn, Google Ads sẽ tạo URL hiển thị bằng cách kết hợp miền của URL cuối cùng với văn bản đường dẫn đó.
Ví dụ
www.example.com/mens_shoes/outdoor
Giao hàng nhanh miễn phí. Hãy đăng ký tham gia nhận giày mẫu miễn phí hằng tháng!
Trong ví dụ này, www.example.com/mens_shoes/outdoor
là URL hiển thị, còn mens_shoes
và outdoor
là văn bản đường dẫn.
Văn bản đường dẫn không cần phải giống hệt với văn bản của URL cuối cùng. Tuy nhiên, văn bản đường dẫn nên cho người dùng biết nội dung có trên trang đích của bạn.
Giá mỗi lần xem (CPV): Định nghĩa
Phương pháp đặt giá thầu dành cho chiến dịch video, trong đó bạn trả tiền cho mỗi lượt xem. Một lượt xem được tính khi người xem xem 30 giây quảng cáo video (hoặc toàn bộ thời lượng video nếu quảng cáo video ngắn hơn 30 giây) hoặc tương tác với quảng cáo, tùy điều kiện nào đến trước. Tương tác video bao gồm các nhấp chuột vào lớp phủ gọi hành động (CTA), thẻ và biểu ngữ đi kèm. Bạn đặt giá thầu CPV để cho Google biết số tiền tối đa bạn sẵn sàng trả cho mỗi lượt xem.
- Bạn có thể chọn giá thầu CPV tối đa cho quảng cáo video khi tạo nhóm quảng cáo. “Tối đa” có nghĩa là số tiền bạn trả cho một lượt xem sẽ bằng hoặc thấp hơn giá thầu của bạn, tùy theo giá thầu của các nhà quảng cáo khác.
- Tùy chọn đặt giá thầu CPV chỉ khả dụng khi bạn chọn chạy quảng cáo video TrueView.
Giá sản phẩm theo điểm chuẩn (beta): Định nghĩa
Giá sản phẩm theo điểm chuẩn (beta): Đây là giá trung bình có tính trọng số theo số lần nhấp cho một sản phẩm trên tất cả người bán quảng cáo sản phẩm đó bằng Quảng cáo mua sắm.
Giá sản phẩm trung bình (beta): Định nghĩa
Giá thầu CPC tối đa: Định nghĩa
Giá thầu mà bạn đặt dùng để xác định số tiền cao nhất bạn có thể trả cho một lượt nhấp vào quảng cáo của mình.
- Nếu có người nhấp vào quảng cáo của bạn, thì bạn chỉ phải trả mức giá thầu giá tối đa mỗi lượt nhấp (hay “CPC tối đa”) mà bạn đã đặt cho lượt nhấp đó. Ví dụ: nếu đặt giá thầu CPC tối đa là $2, thì bạn sẽ không phải trả nhiều hơn $2 cho mỗi lượt nhấp vào quảng cáo của mình. Số tiền thực tế mà bạn trả được gọi là CPC thực tế và xuất hiện trong cột “CPC trung bình” của tài khoản.
- Giá thầu cao hơn thường giúp quảng cáo của bạn hiển thị ở vị trí cao hơn trên trang.
- Bạn sẽ chọn tùy chọn đặt giá thầu thủ công (bạn chọn số tiền giá thầu) hoặc tùy chọn đặt giá thầu tự động (bạn đặt ngân sách trung bình hằng ngày mục tiêu và hệ thống Google Ads sẽ tự động điều chỉnh giá thầu CPC tối đa cho bạn, nhằm giúp bạn nhận được nhiều lượt nhấp nhất có thể trong phạm vi ngân sách đó). Với tùy chọn đặt giá thầu thủ công, bạn sẽ đặt một giá thầu CPC tối đa cho toàn bộ nhóm quảng cáo, nhưng cũng có thể đặt giá thầu khác nhau cho từng từ khóa.
Các trường hợp có thể vượt quá mức CPC tối đa mà bạn đã đặt:
Giá thầu thực tế của bạn có thể cao hơn giá thầu CPC tối đa mà bạn đã đặt nếu bạn sử dụng các tính năng sau đây:
- CPC nâng cao
- Đối tác tìm kiếm
- Điều chỉnh giá thầu
Giá thầu mặc định của nhóm quảng cáo
Số tiền giá thầu áp dụng cho tất cả từ khóa và vị trí trong nhóm quảng cáo không có giá thầu riêng của bạn. Giá thầu này đặt số tiền tối đa mà bạn muốn trả cho mỗi nhấp chuột vào quảng cáo của mình cho bất kỳ từ khóa và vị trí nào không có giá thầu riêng.
- Giá thầu mặc định của nhóm quảng cáo được sử dụng khi không có giá thầu cụ thể hơn được áp dụng. Ví dụ: nếu bạn đặt giá thầu khác cho một trong các từ khóa của mình, giá thầu đó sẽ được sử dụng (thay vì giá thầu mặc định của bất kỳ nhóm quảng cáo nào) bất cứ khi nào từ khóa đó kích hoạt quảng cáo của bạn xuất hiện.
- Giá thầu mặc định được hiển thị phía trên các tab trên trang nhóm quảng cáo trong tài khoản của bạn. Nếu giá thầu trên Mạng hiển thị được đánh dấu “Tắt”, điều đó có nghĩa là bạn đã chọn không tham gia Mạng hiển thị.
Giá thầu ước tính cho vị trí đầu tiên: Định nghĩa
Giá thầu mà có thể bạn cần phải đặt để quảng cáo xuất hiện ở vị trí quảng cáo đầu tiên.
- Con số này là giá trị ước tính cho giá thầu chi phí mỗi nhấp chuột (CPC) cần để quảng cáo hiển thị ở vị trí quảng cáo đầu tiên trên đầu danh sách kết quả tìm kiếm khi một truy vấn tìm kiếm khớp chính xác với từ khóa của bạn. Quảng cáo của bạn vẫn có thể xuất hiện nếu giá thầu không đạt con số ước tính này, nhưng quảng cáo sẽ ít có khả năng xuất hiện hơn ở vị trí quảng cáo đầu tiên của danh sách kết quả tìm kiếm.
- Giá thầu ước tính được dựa trên Điểm chất lượng của mỗi từ khóa và mức độ cạnh tranh của các nhà quảng cáo khác. Nếu giá thầu ước tính cho vị trí đầu tiên của bạn rất cao, điều đó có thể có nghĩa là Điểm chất lượng của từ khóa kém và có thể được cải thiện.
- Để xem giá thầu ước tính cho vị trí đầu tiên cho các từ khóa của bạn, hãy tìm cột “Giá thầu ước tính cho vị trí đầu tiên ước tính” trong bảng Từ khóa.
- Con số ước tính không phải là sự đảm bảo — đôi khi, quảng cáo của bạn có thể không xuất hiện ở vị trí đầu tiên, ngay cả khi bạn đạt mức giá thầu ước tính cho vị trí đầu tiên.
Giá trị nhận dạng lượt nhấp của Google (GCLID): Định nghĩa
Giá trị nhận dạng lượt nhấp của Google (GCLID) là một thông số được đưa vào trong URL khi có lượt nhấp quảng cáo, để xác định chiến dịch và các thuộc tính khác của lượt nhấp liên kết với quảng cáo để theo dõi quảng cáo và phân bổ chiến dịch. Trong Google Ads, tính năng này được bật bằng cách bật tùy chọn cài đặt tự động gắn thẻ. Bạn phải sử dụng tính năng này thì mới có thể sử dụng tính năng theo dõi lượt chuyển đổi trên trang web của Google Ads. Ngoài ra, bạn có thể dùng tính năng này để liên kết dữ liệu giữa Google Ads và Google Analytics. Bạn cũng có thể sử dụng tính năng này cùng với các tính năng như theo dõi lượt chuyển đổi ngoại tuyến.
Giờ Thái Bình Dương (PST hoặc PDT)
Múi giờ Hoa Kỳ cho các trụ sở chính của Google tại Mountain View, California. Tài khoản của bạn sẽ sử dụng múi giờ này nếu bạn chưa chọn một múi giờ trong khi thiết lập tài khoản.
- Khi tạo tài khoản Google Ads, bạn hãy chọn múi giờ mà chúng tôi sẽ sử dụng cho báo cáo, số liệu thống kê và việc thanh toán cho bạn. Nếu không chọn múi giờ địa phương, tài khoản của bạn sẽ mặc định đặt thành giờ Thái Bình Dương. Do đó, các báo cáo và chu kỳ ngân sách trung bình hằng ngày sẽ dựa trên múi giờ đó.
- Ngày và giờ được liệt kê trong tài khoản của bạn có thể dựa trên Giờ chuẩn Thái Bình Dương (PST) hoặc Giờ ban ngày Thái Bình Dương (PDT), tùy theo thời gian trong năm. PST và PDT cách nhau một giờ.
- Bạn không thể thay đổi múi giờ của tài khoản đang. hoạt động Múi giờ sẽ được thiết lập tại thời điểm tạo tài khoản. Tuy nhiên, đối với tài khoản người quản lý (MCC), bạn có thể thay đổi múi giờ một lần duy nhất trong suốt thời gian hoạt động của tài khoản và chỉ có thể dịch chuyển múi giờ về hướng đông.
Giới hạn tần suất: Định nghĩa
Tính năng này giới hạn số lần Quảng cáo hiển thị hoặc Quảng cáo video hiển thị cho cùng một người dùng.
Tần suất là số lần người dùng nhìn thấy Quảng cáo hiển thị hình ảnh hoặc Quảng cáo video của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Tính năng Giới hạn tần suất hoạt động theo các cách khác nhau trên Chiến dịch hiển thị và Chiến dịch video.
Đối với Chiến dịch hiển thị:
- Khi đặt giới hạn tần suất cho Chiến dịch hiển thị, bạn sẽ quản lý số lượt hiển thị của chiến dịch cho người dùng cá nhân mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng hoặc bất kỳ phạm vi kết hợp nào.
- Bạn có thể đặt giới hạn tần suất để quản lý số lượt hiển thị của chiến dịch, nhóm quảng cáo hoặc quảng cáo.
- Cookie của bên thứ ba được sử dụng theo mặc định. Tuy nhiên, nếu cookie của bên thứ ba không có sẵn, thì cookie của bên thứ nhất sẽ được dùng để ước tính số lượt hiển thị.
Đối với Chiến dịch video:
- Khi đặt giới hạn tần suất cho Chiến dịch video, bạn đặt giới hạn số lượt hiển thị và/hoặc số lượt xem của các video trong chiến dịch cho một người dùng cá nhân mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng hoặc bất kỳ phạm vi kết hợp nào. Bạn chỉ có thể đặt giới hạn tần suất cho Chiến dịch video ở cấp chiến dịch.
- Nếu bạn sử dụng video của chiến dịch này trong các Chiến dịch video khác, thì tính năng giới hạn tần suất của chiến dịch này sẽ tính cả số lượt hiển thị và/hoặc số lượt xem từ những Chiến dịch video khác của một người dùng nhất định. Khi người dùng đạt đến giới hạn tần suất, Google sẽ ngừng hiển thị chiến dịch này cho người dùng. Điều này chỉ áp dụng cho quảng cáo trong luồng và Quảng cáo đệm trong phiên đấu giá.
Giới thiệu các chỉ số về vị trí hàng đầu và vị trí đầu tiên
Chỉ số vị trí hàng đầu và vị trí đầu tiên là một bộ các chỉ số về độ nổi bật. Các chỉ số về độ nổi bật, giúp bạn hiểu rõ về vị trí quảng cáo của bạn trên trang.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên nhất trên Mạng Tìm kiếm “% hiển thị (ở vị trí đầu tiên)” và Tỷ lệ phần trăm hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm “% hiển thị (hàng đầu)” cho bạn biết vị trí quảng cáo của bạn trên các Trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP).
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên trên Mạng Tìm kiếm (TLHT ở vị trí đầu tiên trong tìm kiếm) và Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm (Tỷ lệ hiển thị hàng đầu trên Mạng tìm kiếm) giúp bạn biết liệu có khả năng quảng cáo của bạn đạt đến vị trí hàng đầu (bất kỳ vị trí nào phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền) và đầu tiên (quảng cáo đầu tiên phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền) của các Trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP) hay không.
Không giống như vị trí trung bình, các chỉ số này không phản ánh thứ tự quảng cáo của bạn so với các quảng cáo khác, mà thể hiện vị trí thực tế của quảng cáo trên các Trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
Các chỉ số về vị trí của quảng cáo
Bạn có thể sử dụng các chỉ số này để hiểu mức độ thay đổi của tỷ lệ nhấp (CTR) do vị trí quảng cáo của bạn trên trang kết quả tìm kiếm thay đổi. Chúng tôi khuyên bạn không nên sử dụng các chỉ số này làm mục tiêu để đặt giá thầu bởi vì, đôi khi, các chỉ số này có thể giảm khi giá thầu tăng. Điều này xảy ra vì giá thầu cao hơn có thể giúp bạn tham gia các phiên đấu giá cạnh tranh hơn ở một vị trí kém hơn.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm “% hiển thị (hàng đầu)” là tỷ lệ phần trăm số lượt hiển thị quảng cáo của bạn xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào phía trên kết quả các tìm kiếm không phải trả tiền.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm = Số lượt hiển thị ở vị trí hàng đầu/Số lượt hiển thị
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên trên Mạng Tìm kiếm
Tỷ lệ phần trăm hiển thị ở vị trí đầu tiên trên Mạng tìm kiếm “% hiển thị (vị trí đầu tiên)” là tỷ lệ phần trăm số lần hiển thị quảng cáo của bạn được hiển thị là quảng cáo đầu tiên phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên trên Mạng Tìm kiếm = Số lượt hiển thị ở vị trí đầu tiên/Số lượt hiển thị
Các chỉ số có thể sử dụng để đặt giá thầu nhằm cải thiện vị trí quảng cáo
Bạn có thể sử dụng các chỉ số sau làm mục tiêu để đặt giá thầu nếu muốn tăng tỷ lệ phần trăm quảng cáo xuất hiện ở vị trí hàng đầu hoặc vị trí đầu tiên trên trang kết quả tìm kiếm.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên trên Mạng tìm kiếm
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên trên Mạng Tìm kiếm “TLHT ở vị trí đầu tiên trên tìm kiếm” là số lượt hiển thị mà bạn nhận được ở vị trí đầu tiên (quảng cáo đầu tiên phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền) chia cho số lượt hiển thị ước tính mà bạn đủ điều kiện nhận được ở vị trí hàng đầu.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên = Số lượt hiển thị ở vị trí đầu tiên/số lượt hiển thị đủ điều kiện ở vị trí hàng đầu
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm “Tỷ lệ hiển thị hàng đầu trên Mạng tìm kiếm” là số lượt hiển thị mà bạn nhận được ở vị trí hàng đầu (bất kỳ vị trí nào phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền) so với số lượt hiển thị ước tính mà bạn đủ điều kiện nhận được ở vị trí hàng đầu.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu trên Mạng Tìm kiếm = Số lượt hiển thị ở vị trí hàng đầu/số lượt hiển thị đủ điều kiện ở vị trí hàng đầu
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên bị mất trên Mạng Tìm kiếm (ngân sách)
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên bị mất trên Mạng Tìm kiếm (ngân sách) ước tính tần suất quảng cáo của bạn không phải là quảng cáo đầu tiên phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền do có ngân sách thấp.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu bị mất trên Mạng tìm kiếm (ngân sách)
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu bị mất trên Mạng tìm kiếm (ngân sách) giúp bạn biết được tần suất quảng cáo của bạn không xuất hiện ở các vị trí phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền do ngân sách thấp.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên bị mất trên Mạng tìm kiếm (thứ hạng)
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí đầu tiên bị mất trên Mạng tìm kiếm (xếp hạng) ước tính tần suất quảng cáo của bạn không phải là quảng cáo đầu tiên phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền do có Thứ hạng quảng cáo thấp.
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu bị mất trên Mạng Tìm kiếm (thứ hạng)
Tỷ lệ hiển thị ở vị trí hàng đầu bị mất trên Mạng Tìm kiếm (thứ hạng) ước tính tần suất quảng cáo của bạn không xuất hiện ở các vị trí phía trên kết quả tìm kiếm không phải trả tiền do có Thứ hạng quảng cáo thấp.
Giới thiệu về chi phí ròng
Lưu ý: Google đang tiến hành cập nhật một số trang Thanh toán nhất định trong Google Ads. Chính vì thế, nội dung trong bài viết này sẽ thay đổi. Trong khi chờ nội dung cập nhật, vui lòng tham khảo các bài viết sau để tìm hiểu thêm về những trang mới này:
- Giới thiệu về trang Tóm lược thanh toán mới
- Giới thiệu về trang Hoạt động thanh toán mới
Chi phí ròng của bạn cho một tháng cụ thể là tổng cộng của những khoản phí sau:
- Toàn bộ số tiền bạn chi tiêu cho ngân sách
- Cộng với mọi khoản thuế và phí
- Trừ đi các khoản điều chỉnh và tín dụng khuyến mãi
Hãy mở rộng một tháng bất kỳ trong Tóm lược thanh toán để xem bảng phân tích chi phí ròng:
- Bảng chi tiết chi tiêu cho mỗi chiến dịch, bao gồm cả những khoản chi tiêu cho ngân sách dùng chung
- Mỗi khoản điều chỉnh (thường là tín dụng) đối với số tiền chi tiêu của bạn
- Thông tin chi tiết về chương trình khuyến mãi đang hoạt động, bao gồm cả số tiền bạn đã chi tiêu cho đến nay và số tiền còn lại
- Thuế và phí ước tính, nếu có
Giới thiệu về tham số URL
Tham số URL là một cách để chuyển thông tin về lượt nhấp thông qua URL của lượt nhấp đó.
Bạn có thể chèn tham số URL vào URL của mình để URL theo dõi thông tin về lượt nhấp. Tham số URL được tạo thành từ một cặp khóa và giá trị được phân tách bằng dấu bằng (=). Các tham số này kết hợp với nhau bằng ký hiệu và (&). Tham số đầu tiên luôn xuất hiện sau dấu chấm hỏi trong URL. Ví dụ: http://example.com?product=1234&utm_source=google
Cách hoạt động của tham số URL
Có hai loại tham số URL mà bạn có thể sử dụng trong mẫu theo dõi hoặc tham số tùy chỉnh của quảng cáo:
- Tham số sửa đổi nội dung truyền thông tin đến trang đích và phải được đặt riêng trong URL cuối cùng. Ví dụ:
http://example.com?productid=1234
sẽ đưa một người đến thẳng trang của sản phẩm 1234 trên trang web của bạn. - Tham số theo dõi truyền thông tin về lượt nhấp cho tài khoản, chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo của bạn trong mẫu theo dõi. Có hai loại tham số theo dõi:
- Tham số tùy chỉnh thể hiện giá trị do nhà quảng cáo xác định có thể được đặt trong mẫu theo dõi. Ví dụ: bạn có thể xác định
{_campaign}=branding
hoặc{_campaign}=leads
trong các tham số tùy chỉnh của chiến dịch và đặt mẫu theo dõi tài khoản của mình thành{lpurl}? source_campaign={_campaign}
Tìm hiểu thêm về cách tạo tham số tùy chỉnh cho tính năng theo dõi nâng cao - Tham số ValueTrack thể hiện giá trị trong tham số URL (ví dụ:
{network}
” trong tham số URL “network={network}
”). Tham số{network}
sẽ ghi lại mạng nơi lượt nhấp bắt nguồn (Mạng Tìm kiếm hoặcMạng Hiển thị ) trong URL trang đích của quảng cáo. Tìm hiểu thêm về tham số ValueTrack
- Tham số tùy chỉnh thể hiện giá trị do nhà quảng cáo xác định có thể được đặt trong mẫu theo dõi. Ví dụ: bạn có thể xác định
Tham số URL có neo và phân đoạn AJAX
Cho dù bạn đang sử dụng URL cuối cùng, mẫu theo dõi hay các tham số URL khác để theo dõi, thì hãy lưu ý đến các neo tác động (#
) và phân đoạn AJAX (#!
) có trên URL. Nếu bạn sử dụng một neo hoặc phân đoạn AJAX trong URL cuối cùng và mẫu theo dõi gắn thêm tham số vào cuối URL cuối cùng, thì bạn phải đặt tất cả các tham số theo dõi vào URL cuối cùng. Các tham số này nên bắt đầu bằng thẻ {ignore}
trong URL cuối cùng. Mỗi khi bạn sử dụng tham số {ignore}
trong URL cuối cùng có chứa #
hoặc #!
trong khi thu thập thông tin, thì Google Ads sẽ coi mọi nội dung ở giữa tham số {ignore}
và #
hoặc #!
là thông tin theo dõi.
Ví dụ
URL cuối cùng: http://site.com?{ignore}param=1&tracking=1&device={device}#anchor
Mẫu theo dõi: http://redirect.com?url={unescapedlpurl}
Google Ads: Định nghĩa
Google Ads là chương trình quảng cáo trực tuyến của Google. Thông qua Google Ads, bạn có thể tạo quảng cáo trực tuyến để tiếp cận chính xác những người quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp.
- Google Ads là một sản phẩm mà bạn có thể sử dụng để quảng bá doanh nghiệp, bán các sản phẩm hoặc dịch vụ, nâng cao mức độ nhận biết và tăng lưu lượng truy cập vào trang web của bạn.
- Tài khoản Google Ads được quản lý trực tuyến, vì vậy, bạn có thể tạo và thay đổi chiến dịch quảng cáo của mình (bao gồm cả văn bản quảng cáo, các tùy chọn cài đặt và ngân sách) bất cứ lúc nào.
- Chúng tôi không quy định hạn mức chi tiêu tối thiểu, nên bạn có thể đặt và kiểm soát ngân sách của riêng mình. Ngoài ra, bạn có thể chọn nơi quảng cáo của mình sẽ xuất hiện, đặt ngân sách phù hợp và dễ dàng đo lường mức tác động của quảng cáo.
Hạn mức chi tiêu hằng ngày: Định nghĩa
Số tiền tối đa mà bạn có thể phải trả cho một chiến dịch vào một ngày cụ thể.
Hạn mức chi tiêu hằng tháng: Định nghĩa
Số tiền tối đa mà bạn có thể phải trả cho một chiến dịch trong một tháng.
Hành động chuyển đổi: Định nghĩa
Một hành động cụ thể của khách hàng mà bạn đã xác định là có giá trị cho doanh nghiệp của mình, chẳng hạn như mua hàng trực tuyến hoặc cuộc gọi điện thoại. Việc theo dõi các hành động chuyển đổi cho phép bạn biết quảng cáo của mình dẫn đến các hành động có giá trị đó như thế nào.
- Hành động chuyển đổi khả dụng cho một số nguồn chuyển đổi, bao gồm cả hành động trên trang web, cuộc gọi, lượt tải xuống ứng dụng và hành động trong ứng dụng (chẳng hạn như lượt mua hàng trong ứng dụng).
- Nếu bạn muốn theo dõi nhiều hành động trong cùng một loại hành động chuyển đổi, chẳng hạn như đăng ký bản tin và gửi biểu mẫu khách hàng tiềm năng trên trang web của mình, bạn có thể tạo nhiều hành động chuyển đổi.
- Các lần xảy ra hành động chuyển đổi được báo cáo dưới dạng chuyển đổi.
Hồ sơ thanh toán
Hồ sơ thanh toán (trước đây là “khách hàng thanh toán”) lưu trữ thông tin về cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm pháp lý đối với các chi phí do tài khoản Google Ads tạo ra.
Hồ sơ thanh toán chứa thông tin liên lạc, phương thức thanh toán, cài đặt và ID bằng số duy nhất xuất hiện trên các hóa đơn tài khoản và các tài liệu khác.
Một hồ sơ thanh toán có thể được dùng với nhiều tài khoản Google Ads và với các sản phẩm khác của Google.
ID người dùng: Định nghĩa
ID người dùng là giá trị nhận dạng khách hàng duy nhất mà nhà quảng cáo chọn để nhận dạng người dùng truy cập trang web của họ.
ID thiết bị di động: Định nghĩa
ID thiết bị di động là giá trị nhận dạng khách hàng duy nhất được sử dụng để phân biệt một thiết bị di động.
Đây có thể là IDFA (Giá trị nhận dạng cho nhà quảng cáo) hoặc ID quảng cáo Android.
Ít dữ liệu: Định nghĩa
Biểu đồ hoặc thống kê hiển thị cảnh báo “ít dữ liệu” hoặc “dữ liệu hạn chế” có thể không phản ánh đầy đủ hiệu suất lâu dài của bạn.
- Google Ads chỉ có thể hiển thị thông tin chi tiết hoặc kết quả dựa trên dữ liệu trong phạm vi ngày bạn đã chọn. Biểu đồ hoặc báo cáo hiển thị biểu tượng “ít dữ liệu” có thể có ít thông tin hơn sau này, khi quảng cáo của bạn tích lũy được nhiều hơn số lần hiển thị, lần nhấp, lần chuyển đổi hoặc các số liệu thống kê khác.
- Lưu ý rằng nếu quảng cáo của bạn đã chạy được một thời gian ngắn, kết quả hiệu suất có thể dễ dàng thay đổi vào lần tiếp theo ai đó tương tác với một trong các quảng cáo của bạn hoặc chuyển đổi trên trang web của bạn.
- Tốt nhất bạn nên xem dữ liệu trong phạm vi ngày dài hơn trước khi thực hiện hành động trên biểu đồ hoặc đồ thị được dựa trên lượng thông tin hạn chế. Khi có nhiều thông tin hơn, bạn sẽ thấy một bức tranh chính xác hơn về cách quảng cáo và nhắm mục tiêu của bạn hoạt động.
Kết quả tìm kiếm không phải trả tiền
Một danh sách miễn phí trong Google Tìm kiếm xuất hiện do nó có liên quan đến cụm từ tìm kiếm của ai đó.
- Kết quả tìm kiếm phải trả tiền là các quảng cáo có trả tiền.
- Quảng cáo phía trên kết quả không phải trả tiền chứa hộp “Quảng cáo”.
- Quảng cáo ở bên phải kết quả không phải trả tiền có hộp “Quảng cáo” phía trên chúng.
- Phân tích kết quả tìm kiếm không phải trả tiền thường có thể giúp xác định các từ khóa mới cho chiến dịch Google Ads của bạn.
Khắc phục sự cố về các mức điều chỉnh giá thầu “bị giới hạn theo ngân sách”
“Bị giới hạn theo ngân sách” là một trạng thái chiến lược giá thầu được sử dụng khi ngân sách trung bình hằng ngày của bạn thấp hơn số tiền đề xuất. Nếu bạn đặt mức điều chỉnh cho phép tăng giá thầu, thì giá thầu sau khi điều chỉnh có thể giúp bạn tăng số phiên đấu giá mà quảng cáo của bạn đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên, giá thầu sau khi điều chỉnh cao hơn có thể làm cho chiến dịch của bạn “bị giới hạn theo ngân sách”. Trong trường hợp đó, ngân sách có thể ngăn bạn nhận được tất cả lưu lượng truy cập mới dành cho chiến dịch.
Bạn nên lưu ý rằng chiến dịch “bị giới hạn theo ngân sách” vẫn có thể chạy thành công và giúp bạn đạt được mục tiêu quảng cáo. Tuy nhiên, nếu chiến dịch có trạng thái “bị giới hạn theo ngân sách” sau khi bạn đặt mức điều chỉnh giá thầu, hãy cân nhắc tăng ngân sách để tăng số lượt nhấp, hoặc giảm giá thầu hay mức điều chỉnh giá thầu để nhận được nhiều lượt nhấp hơn trong phạm vi ngân sách của mình.
Khi chiến lược giá thầu của bạn bị “giới hạn theo ngân sách”, quảng cáo thường sẽ không hiển thị một cách thường xuyên nhất có thể.
- Nơi bạn sẽ thấy: Trạng thái “bị giới hạn theo ngân sách” của một chiến lược giá thầu có thể xuất hiện trong cột trạng thái của bảng chiến dịch đó. Điều này có nghĩa là ngân sách của bạn thấp hơn ngân sách hằng ngày trung bình được đề xuất.
- Lý do xuất hiện: Khi ngân sách thấp hơn số tiền đề xuất, có khả năng là ngân sách đó không thể chi trả cho tất cả lưu lượng truy cập có thể đạt được cho từ khóa của bạn và các chế độ cài đặt nhắm mục tiêu khác của chiến dịch. Để đảm bảo rằng ngân sách của bạn có thể dùng được suốt cả ngày, Google Ads sẽ giảm tần suất quảng cáo xuất hiện. Quảng cáo trong chiến dịch vẫn có thể xuất hiện, nhưng không thể xuất hiện thường xuyên như bình thường.
- Ý nghĩa: Một chiến dịch bị giới hạn theo ngân sách vẫn có thể thành công và giúp bạn đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nếu có thể tăng ngân sách thì bạn sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều người dùng hơn.
- Việc cần làm tiếp theo: Nhấp vào biểu tượng trình mô phỏng ngân sách trong bảng chiến dịch để xem xét mức độ tiếp cận người dùng mà chiến dịch của bạn có thể nhận được nếu bạn sử dụng một ngân sách khác. Bạn cũng có thể cân nhắc giảm CPA mục tiêu hoặc tăng ROAS mục tiêu trong chiến dịch bị giới hạn đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm mức điều chỉnh giá thầu để cố gắng thu được nhiều lượt nhấp hoặc lượt xem video hơn với ngân sách của mình.
Ví dụ:
Giả sử bạn đặt giá thầu là 1 đô la và ngân sách trung bình hàng ngày là 100 đô la. Chiến dịch của bạn sẽ nhận được khoảng 200 lượt nhấp và chi tiêu 95 đô la mỗi ngày (chiến dịch không “bị giới hạn theo ngân sách”). Sau đó, bạn đặt một mức điều chỉnh giá thầu giúp số lượt tìm kiếm tăng hơn 100% ở Chicago trên thiết bị di động với giá thầu sau điều chỉnh là 2 đô la.
Vì giá thầu kết quả tăng làm cho quảng cáo của bạn đủ điều kiện trong nhiều phiên đấu giá hơn, nên bạn cần phải chi tiêu 150 đô la để nhận được tất cả lượt nhấp có thể có cho lưu lượng truy cập mới có được của mình. Nhưng nếu ngân sách trung bình hằng ngày của bạn vẫn duy trì ở mức 100 đô la, thì lưu lượng truy cập sẽ “bị giới hạn theo ngân sách”. Nếu bạn không thay đổi ngân sách trung bình hằng ngày, thì quảng cáo của bạn có thể nhận được ít lượt nhấp hơn.
Không đủ điều kiện: Định nghĩa
Trạng thái của chiến dịch, nhóm quảng cáo, quảng cáo hoặc từ khóa không phân phát quảng cáo.
Kiểu khớp mở rộng phủ định: Định nghĩa
Một chế độ cài đặt từ khoá cho phép bạn ngăn quảng cáo của mình hiển thị cho những lượt tìm kiếm mà tất cả các từ trong cụm từ khoá đều xuất hiện trong nội dung tìm kiếm theo thứ tự bất kỳ. Quảng cáo của bạn vẫn có thể hiển thị nếu chỉ một số từ khoá xuất hiện trong nội dung tìm kiếm.
Đối với từ khoá khớp mở rộng phủ định, quảng cáo của bạn sẽ không hiển thị nếu nội dung tìm kiếm chứa tất cả các cụm từ khoá phủ định, ngay cả khi các cụm từ đó được sắp xếp theo một thứ tự khác. Quảng cáo của bạn vẫn có thể hiển thị nếu nội dung tìm kiếm chỉ chứa một số cụm từ khoá.
Ví dụ:
Từ khoá khớp mở rộng phủ định: “giày chạy bộ”
Nội dung tìm kiếm | Quảng cáo có thể hiển thị không? |
---|---|
giày quần vợt màu xanh | |
giày chạy bộ | |
giày chạy bộ màu xanh | |
chạy bộ giày | |
giày chạy bộ |
Lịch sử thay đổi
Công cụ liệt kê những thay đổi mà bạn đã thực hiện đối với tài khoản của mình trong suốt hai năm qua. Xem chi tiết về những thay đổi như thời điểm bạn đã tạm dừng chiến dịch, ai đã thêm từ khóa và số tiền ngân sách trước đó.
- Bạn có thể xem tất cả những thay đổi đối với phạm vi ngày cụ thể, lọc kết quả theo loại thay đổi (như điều chỉnh ngân sách hoặc chỉnh sửa từ khóa) hoặc xem thay đổi đối với chiến dịch hay nhóm quảng cáo cụ thể.
- Công cụ lịch sử thay đổi hiển thị từng thay đổi trong tiến trình, được ánh xạ đến dữ liệu tài khoản của bạn (như số lần hiển thị, số nhấp chuột, số chuyển đổi, tỷ lệ nhấp và chi phí). So sánh các thay đổi với tiến trình của dữ liệu hiệu suất để giúp bạn biết được những thay đổi nào có thể đã góp phần vào thay đổi hiệu suất của bạn.
- Nếu bạn cho phép người khác truy cập vào tài khoản của mình bằng thông tin đăng nhập của riêng họ, thì bạn cũng có thể sử dụng công cụ này để xem ai đã thực hiện các thay đổi nhất định.
- Bạn có thể tìm Lịch sử thay đổi trong menu “Công cụ” hoặc trực tiếp đi đến công cụ bằng cách truy cập ads.google.com/ch/ChangeHistory
Liên kết sâu
Một loại URL đích trong quảng cáo đưa mọi người đến trang cụ thể trong ứng dụng.
- Đối với quảng cáo trên web, bạn có thể sử dụng URL đích đơn giản, chẳng hạn như
www.example.com
, để đưa mọi người đến trang đích trên trang web của bạn. Để đưa mọi người trực tiếp đến trang sản phẩm trên trang web đó, bạn có thể sử dụng URL khác có thêm một số thông tin:www.example.com/product_1234
. Đối với ứng dụng dành cho thiết bị di động, các URL này được gọi là liên kết sâu. - Đối với URL đích trong quảng cáo tương tác với ứng dụng, bạn có thể sử dụng liên kết chỉ mở ứng dụng của bạn, hoặc liên kết sâu sẽ đưa mọi người trực tiếp đến màn hình cụ thể trong ứng dụng. Thông số theo dõi được phép đối với các liên kết này.
- Liên kết sâu không tự động thiết lập khi bạn tạo ứng dụng và các liên kết này hoạt động khác nhau trên iOS và Android. Đối với chiến dịch tương tác với ứng dụng trên Mạng tìm kiếm, chúng tôi tạo URI ứng dụng bằng cách sử dụng liên kết sâu để quảng cáo của bạn tương thích với Google Tìm kiếm.
Lợi tức đầu tư (ROI)
Khoản lợi nhuận bạn thu được từ quảng cáo và trang thông tin miễn phí về sản phẩm so với số tiền bạn đã chi tiêu.
Để tính ROI, hãy lấy doanh thu từ quảng cáo và trang thông tin của bạn trừ đi tổng chi phí, sau đó chia cho tổng chi phí: ROI = (Doanh thu – Giá vốn hàng bán) / Giá vốn hàng bán.
Ví dụ:
Giả sử bạn có một sản phẩm có chi phí sản xuất là $100 và được bán với giá $200. Bạn bán được 6 sản phẩm như vậy nhờ quảng cáo trên Google Ads. Tổng doanh số của bạn là $1.200 và chi phí Google Ads là $200. ROI của bạn là ($1.200-($600+$200))/($600+$200) hay 50%.
Để tính ROI khi sử dụng Google Ads, bạn sẽ cần phải theo dõi lượt chuyển đổi, những hành động mà bạn muốn khách hàng thực hiện trên trang web sau khi nhấp vào quảng cáo của bạn, chẳng hạn như mua hàng, đăng ký hoặc tải xuống. Hãy dùng thử tính năng theo dõi lượt chuyển đổi hoặc Google Analytics, những công cụ miễn phí để giúp bạn theo dõi lượt chuyển đổi trong tài khoản của mình.
Với các nhà bán lẻ, ROI thường là thước đo quan trọng nhất vì nó cho biết hiệu quả thực tế của Google Ads đối với doanh nghiệp của bạn. Mặc dù việc biết số lượt nhấp và số lượt hiển thị bạn nhận được rất hữu ích, nhưng nếu biết được quảng cáo và trang thông tin đang đóng góp như thế nào vào thành công của doanh nghiệp thì còn tốt hơn nữa.
Lượng tìm kiếm thấp
Trạng thái áp dụng cho từ khóa có rất ít hoặc không có lịch sử tìm kiếm trên Google.
- Từ khóa được đánh dấu là “Lượng tìm kiếm thấp” có rất ít lưu lượng truy cập tìm kiếm trên Google. Điều này cho thấy rằng những từ khóa đó không liên quan lắm đến hầu hết các nội dung tìm kiếm của khách hàng. Vì lý do này, Google tạm thời làm cho những từ khóa này không hoạt động để chúng không kích hoạt quảng cáo của bạn.
- Nếu số lượng truy vấn tìm kiếm cho những từ khóa này tăng, thậm chí một lượng nhỏ, thì từ khóa sẽ được kích hoạt lại và sẽ bắt đầu kích hoạt quảng cáo của bạn hiển thị lại. Hệ thống của chúng tôi thường xuyên kiểm tra và cập nhật trạng thái này.
- Ví dụ: từ khóa có thể được xem là quá cụ thể hoặc tối nghĩa, hoặc từ khóa sai chính tả nghiêm trọng. Việc loại bỏ các từ khóa này khỏi phiên đấu giá quảng cáo giúp Google Ads phân phát quảng cáo hiệu quả hơn và giảm lượng từ khóa trên hệ thống. Trước khi ngăn chặn từ khóa tham gia phiên đấu giá, hệ thống sẽ đánh giá số lượt tìm kiếm cho một từ khóa nhất định trên toàn thế giới trong 12 tháng qua.
- Trạng thái lượng tìm kiếm thấp không liên quan đến điểm chất lượng, giá thầu hoặc quảng cáo. Vì vậy, việc chỉnh sửa các nội dung này sẽ không thay đổi trạng thái.
- Việc có các từ khóa có trạng thái lượng tìm kiếm thấp không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài khoản của bạn. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ muốn xóa các từ khóa này nếu đạt tới giới hạn tài khoản.
- Bạn có thể thấy quảng cáo khi tìm kiếm từ khóa có trạng thái lượng tìm kiếm thấp. Ví dụ: nếu từ khóa của bạn là “bán xe đạp màu đỏ và xanh da trời”, bạn vẫn có thể thấy quảng cáo khi tìm kiếm từ khóa này trên Google. Điều này là do các từ khóa tổng quát hơn, chẳng hạn như “xe đạp xanh da trời” có thể kích hoạt quảng cáo cho nội dung tìm kiếm đó.
- Khi có từ khóa có lượng tìm kiếm thấp, bạn có một số tùy chọn:
- Bạn có thể chọn không làm gì và chờ chúng tôi tự động kiểm tra lại sau một tuần. Nếu nhiều người bắt đầu tìm kiếm từ khóa của bạn, chúng tôi sẽ kích hoạt lại từ khóa đó. Tùy chọn này có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn đang quảng cáo thương hiệu, điều khoản hoặc sản phẩm mới.
- Xóa từ khóa và sử dụng Công cụ lập kế hoạch từ khóa để tìm thêm ý tưởng về từ khóa.
- Thay đổi loại đối sánh từ khóa thành loại đối sánh rộng hơn. Ví dụ: nếu từ khóa thuộc loại đối sánh chính xác, bạn có thể thay đổi thành loại đối sánh rộng.
- Cập nhật từ khóa thành nội dung ít cụ thể hơn. Ví dụ: bạn có thể cập nhật từ khóa “giao hoa hồng vào mùa xuân ở Hà Nội” thành “giao hoa hồng ở Hà Nội”.
Lượt hiển thị: Định nghĩa
Tần suất quảng cáo của bạn xuất hiện. Một lượt hiển thị được tính mỗi khi quảng cáo của bạn xuất hiện trên một trang kết quả tìm kiếm hoặc trang web khác trên Mạng Google. Lưu ý: Nếu quảng cáo hoặc từ khóa của bạn không nhận đủ số lượt hiển thị, hãy đọc bài viết Vấn đề về lượt hiển thị dao động.
- Mỗi lần quảng cáo của bạn xuất hiện trên Google hoặc Mạng Google, lần đó sẽ được tính là một lượt hiển thị.
- Trong một số trường hợp, chỉ một phần quảng cáo của bạn có thể được hiển thị. Ví dụ: trong Google Maps, chúng tôi có thể chỉ hiển thị tên và vị trí doanh nghiệp của bạn hoặc chỉ hiển thị tên doanh nghiệp và dòng đầu tiên trong văn bản quảng cáo của bạn.
- Đôi khi bạn sẽ thấy chữ viết tắt “H.thị” trong tài khoản của mình thể hiện số lượt hiển thị cho quảng cáo.
Lượt nhấp không hợp lệ: Định nghĩa
Những lượt nhấp vào quảng cáo mà Google coi là không hợp lệ, chẳng hạn như lượt nhấp không cố ý hoặc lượt nhấp từ phần mềm độc hại.
Mỗi lượt nhấp vào quảng cáo đều được hệ thống của chúng tôi kiểm tra. Ngoài ra, Google còn có hệ thống tinh vi để nhận dạng những lượt nhấp và lượt hiển thị không hợp lệ, đồng thời xóa những lượt nhấp và lượt hiển thị đó khỏi dữ liệu tài khoản của bạn. Khi phát hiện lượt nhấp không hợp lệ, hệ thống sẽ tự động lọc những lượt nhấp đó ra khỏi báo cáo của bạn và bạn sẽ không bị tính phí cho những lượt nhấp đó. Nếu chúng tôi nhận thấy các nhấp chuột không hợp lệ không được phát hiện tự động, bạn có thể đủ điều kiện để nhận được một khoản tín dụng cho các nhấp chuột đó. Các khoản tín dụng này được gọi là mức điều chỉnh “hoạt động không hợp lệ”.
Dưới đây là một số ví dụ về những lượt nhấp mà Google coi là không hợp lệ:
- Những lượt nhấp thủ công nhằm tăng chi phí quảng cáo hoặc tăng lợi nhuận cho chủ sở hữu trang web lưu trữ quảng cáo của bạn
- Những lượt nhấp bằng công cụ tự động, robot hoặc các phần mềm đánh lừa khác
- Những lượt nhấp không liên quan và không tạo ra giá trị cho nhà quảng cáo (như lượt nhấp thứ hai trong một cú nhấp đúp chuột)
Lượt nhấp: Định nghĩa
Khi có người nhấp vào quảng cáo của bạn (chẳng hạn như nhấp vào dòng tiêu đề hoặc số điện thoại màu xanh lam trên một quảng cáo dạng văn bản), Google Ads sẽ tính hành động đó là một lượt nhấp.
- Một lượt nhấp được tính ngay cả khi người đó không truy cập vào trang web của bạn (có thể là do trang web đó tạm thời không truy cập được). Kết quả là bạn có thể thấy sự khác nhau giữa số nhấp chuột trên quảng cáo của bạn và số lượt truy cập vào trang web của bạn.
- Nhấp chuột có thể giúp bạn hiểu mức độ hấp dẫn của quảng cáo của mình với những người xem quảng cáo đó. Những quảng cáo có liên quan, được nhắm mục tiêu cụ thể có nhiều khả năng nhận được lượt nhấp hơn.
- Trong số liệu thống kê về tài khoản, bạn sẽ thấy tỷ lệ nhấp (CTR) cho biết số người đã nhấp vào quảng cáo của bạn sau khi nhìn thấy quảng cáo đó. Chỉ số này có thể giúp bạn đánh giá mức độ hấp dẫn của quảng cáo, cũng như mức độ liên quan chặt chẽ giữa quảng cáo với các từ khóa và tùy chọn cài đặt nhắm mục tiêu khác.
- Lưu ý rằng CTR tốt có liên quan đến những gì bạn đang quảng cáo và trên mạng nào. Để tăng số lượt nhấp và tỷ lệ nhấp (CTR), bạn hãy bắt đầu bằng cách tạo văn bản quảng cáo hấp dẫn cùng với các từ khóa phù hợp, để giúp quảng cáo có mức độ liên quan cao và sức hút lớn đối với khách hàng của bạn.
Mã khách hàng: Định nghĩa
Đây là một số riêng biệt được gán cho mỗi tài khoản Google Ads, bao gồm cả tài khoản người quản lý Google Ads.
Mã khách hàng của bạn được dùng để xác định tài khoản Google Ads của bạn. Bạn có thể sử dụng số này khi liên hệ với nhóm hỗ trợ khách hàng Google Ads, cũng như để liên kết tài khoản của mình với các sản phẩm khác của Google như Google Analytics hoặc Trang doanh nghiệp.
Mã khuyến mại (phiếu giảm giá) Google Ads
Còn được gọi là phiếu giảm giá hoặc phiếu thưởng, khoản ghi có bằng tiền có thể được thêm vào tài khoản của nhà quảng cáo khi họ đáp ứng mọi tiêu chí cần thiết. Google hoặc các đối tác của chúng tôi thỉnh thoảng sẽ cung cấp mã khuyến mại để khuyến khích các nhà quảng cáo mới bắt đầu với Google Ads.
- Hầu hết mã cần phải được áp dụng trong vòng 14 ngày sau khi bạn tạo tài khoản Google Ads của mình lần đầu tiên.
- Google không thể chấp nhận hoặc đổi mã khuyến mại đã hết hạn.
- Mã khuyến mại hoạt động khác với các cài đặt thanh toán khác, chẳng hạn như thanh toán tự động hoặc thanh toán thủ công.
- Để sử dụng hầu hết các mã khuyến mại, tài khoản của bạn cần phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Điều khoản và điều kiện cho mỗi phiếu mua hàng thay đổi theo chương trình khuyến mại, vì vậy, hãy đảm bảo kiểm tra các chi tiết trong tài liệu khuyến mại.
Mạng Google
Tất cả các vị trí nơi quảng cáo Google Ads của bạn có thể xuất hiện, bao gồm trang web của Google, trang web hợp tác với chúng tôi và các vị trí khác như ứng dụng dành cho điện thoại di động.
- Mạng Google được chia thành các nhóm để cung cấp cho bạn nhiều quyền kiểm soát hơn nơi bạn muốn quảng cáo của mình xuất hiện:
- Mạng tìm kiếm: các trang kết quả tìm kiếm của Google, các trang web khác của Google như Maps, Mua sắm và các trang web tìm kiếm hợp tác với Google để hiển thị quảng cáo.
- Mạng hiển thị: Các trang web của Google như YouTube, Blogger và Gmail, cùng hàng nghìn trang web đối tác trên Internet.
- Theo mặc định, các chiến dịch quảng cáo mới được thiết lập để hiển thị quảng cáo trên toàn bộ mạng nhằm cung cấp cho các quảng cáo của bạn nhiều hiển thị nhất.
- Nếu bạn thấy rằng bạn không nhận được lợi tức đầu tư tốt từ một khu vực trên mạng, bạn có thể loại trừ các trang web cá nhân trên Mạng hiển thị hoặc thay đổi cài đặt mạng của chiến dịch quảng cáo để chọn tham gia hoặc chọn không tham gia từng mạng.
Mạng Hiển thị: Định nghĩa
Một nhóm gồm hơn 2 triệu trang web, video và ứng dụng nơi quảng cáo của bạn có thể xuất hiện.
Các trang web trên Mạng Hiển thị tiếp cận hơn 90% người dùng Internet trên toàn thế giới*. Thông qua Mạng Hiển thị, bạn có thể sử dụng tính năng nhắm mục tiêu để hiển thị quảng cáo của mình trong những bối cảnh cụ thể (như “phong cách sống ngoài trời” hoặc “cnn.com”), cho những đối tượng cụ thể (như “các bà mẹ trẻ” hoặc “người mua xe sedan mới”), ở những vị trí cụ thể, v.v.
Mạng tìm kiếm: Định nghĩa
Một nhóm các trang web có liên quan đến hoạt động tìm kiếm. Quảng cáo và trang thông tin miễn phí về sản phẩm của bạn có thể xuất hiện tại đây.
Khi quảng cáo trên Mạng tìm kiếm, quảng cáo của bạn có thể hiển thị bên cạnh kết quả tìm kiếm, hiển thị trên các trang web khác của Google như Maps, Mua sắm, Google Hình ảnh và trên các trang web của các đối tác tìm kiếm của Google. Mạng tìm kiếm là một phần của Mạng Google. Đây là tên chúng tôi đặt cho tất cả các trang web và ứng dụng mà quảng cáo có thể xuất hiện.
Mẫu theo dõi: Định nghĩa
Mẫu theo dõi là nơi bạn đặt thông tin theo dõi. Bạn có thể sử dụng tham số URL để tùy chỉnh URL cuối cùng của mình. Khi có người nhấp vào quảng cáo, thông tin này dùng để tạo URL trang đích của bạn.
- Mẫu theo dõi ở cấp nhóm quảng cáo, chiến dịch hoặc tài khoản sẽ áp dụng cho tất cả quảng cáo trong nhóm quảng cáo, chiến dịch hoặc tài khoản tương ứng.
- Nếu bạn xác định nhiều mẫu theo dõi ở các cấp khác nhau, mẫu cụ thể nhất sẽ được sử dụng.
- Mẫu theo dõi từ khóa là mẫu cụ thể nhất, tiếp đến là quảng cáo, nhóm quảng cáo, chiến dịch rồi tài khoản.
- Bạn có thể xem mẫu theo dõi được áp dụng trong cột “Nguồn mẫu theo dõi”.
- Với tính năng theo dõi song song, việc sử dụng HTTP trong trường này có thể làm gián đoạn các hệ thống đo lường/chuyển hướng lượt nhấp của bạn:
- Mặc dù Google không có quyền kiểm soát các hoạt động chuyển hướng sau đó, nhưng Google Ads sẽ luôn sử dụng HTTPS cho lệnh gọi theo dõi đầu tiên nếu bạn không nhập HTTPS.
- Tất cả các URL chuyển hướng sau đó cần phải là HTTPS. Các hoạt động chuyển hướng cũng cần phải ở phía máy chủ.
Mức chênh lệch giá sản phẩm theo điểm chuẩn (beta): Định nghĩa
Mức chênh lệch giá sản phẩm theo điểm chuẩn (beta): Đây là tỷ lệ phần trăm chênh lệch giữa giá sản phẩm trung bình của sản phẩm và giá sản phẩm theo điểm chuẩn được liên kết. Đối với nhóm sản phẩm, mức chênh lệch giá được tính trọng số dựa trên tiềm năng lưu lượng truy cập của sản phẩm. Sản phẩm càng phổ biến thì được tính trọng số càng lớn.
Ngày cuối cùng: Định nghĩa
Đây là cài đặt xác định thời gian bạn muốn chạy quảng cáo trong chiến dịch của mình. Khi đến ngày kết thúc của chiến dịch, quảng cáo của bạn sẽ ngừng chạy.
Cài đặt mặc định cho mỗi chiến dịch quảng cáo là không có ngày kết thúc, do đó, quảng cáo có thể chạy vô thời hạn. Bạn có thể thay đổi cài đặt bất kỳ lúc nào để chiến dịch của bạn kết thúc vào một ngày cụ thể. Khi bạn chọn ngày kết thúc, chiến dịch của bạn sẽ kết thúc vào ngày đó lúc 11 giờ 59 phút tối theo múi giờ bạn đã chọn cho tài khoản của mình.
Trước ngày kết thúc, bạn cũng có thể Tạm dừng, tiếp tục hoặc xóa chiến dịch bất kỳ lúc nào để ngăn quảng cáo tiếp tục chạy.
Ngân sách hằng ngày trung bình đề xuất: Định nghĩa
Số tiền ước tính cho ngân sách hằng ngày trung bình có thể cho phép quảng cáo của bạn xuất hiện thường xuyên hơn cho nhóm từ khóa hiện tại của bạn.
- Ngân sách hằng ngày trung bình đề xuất là số tiền ngân sách ước tính thấp nhất giúp bạn không bị mất bất kỳ lượt hiển thị nào do giới hạn ngân sách. Ví dụ: tỷ lệ hiển thị (IS) bị mất gần đây của bạn do ngân sách sẽ bằng 0. Trong một số trường hợp khi ngân sách này quá cao, chúng tôi có thể đề xuất một ngân sách vừa phải hơn để tránh việc đột ngột tăng cao mức chi tiêu.
- Nếu bạn chọn ngân sách hằng ngày thấp hơn số tiền đề xuất, quảng cáo của bạn vẫn có thể hiển thị, nhưng quảng cáo sẽ không hiển thị cho mọi lần tìm kiếm. Thay vào đó, chúng tôi sẽ trải đều việc phân phối quảng cáo trong suốt cả ngày để bạn không vượt quá ngân sách của mình hơn 2 lần. Tìm hiểu Lý do chi phí có thể vượt quá ngân sách hằng ngày trung bình của bạn.
- Nếu ngân sách của bạn hạn chế lưu lượng truy cập của chiến dịch, bạn sẽ có thể thấy ngân sách đề xuất.
Ngân sách tài khoản
Tùy chọn này cho phép bạn chỉ định số tiền cố định mà bạn muốn tài khoản của mình chi tiêu trong khoảng thời gian cố định. Tùy chọn này có sẵn cho nhà quảng cáo sử dụng lập hóa đơn hàng tháng làm cài đặt thanh toán.
Lưu ý: Ngân sách tài khoản trước đây được gọi là ngân sách đặt hàng.
- Để xem trạng thái của bất kỳ ngân sách nào (kể cả số tiền chi tiêu còn lại trong mỗi ngân sách), hãy chuyển đến trang Thanh toán và nhấp vào Ngân sách tài khoản.
- Tài khoản sẽ ngừng chạy quảng cáo nếu ngân sách đã cạn hoặc đã đến ngày kết thúc được lên lịch. Hãy kiểm tra ngân sách tài khoản của bạn thường xuyên để đảm bảo rằng quảng cáo của bạn luôn chạy.
- Nếu đặt ngân sách thành “Không giới hạn,” tổng mức chi tiêu của bạn sẽ không bị giới hạn bởi ngân sách tài khoản, mà sẽ phụ thuộc vào ngân sách trung bình hằng ngày mà bạn đã đặt cho mỗi chiến dịch.
- Nếu bạn đặt ngày kết thúc và số tiền cho ngân sách, thì mức chi tiêu hằng ngày sẽ vẫn nằm trong phạm vi ngân sách trung bình hằng ngày, nhưng số tiền ngân sách sẽ là hạn mức bổ sung cho khung thời gian mà bạn đã đặt.
Ngân sách trung bình hằng ngày: Định nghĩa
Số tiền trung bình hằng ngày mà bạn đặt cho mỗi chiến dịch quảng cáo. Đó là số tiền mà bạn có thể chi tiêu mỗi ngày trong suốt cả tháng.
Người sử dụng: Định nghĩa
Tổng số người trong vị trí và nhóm nhân khẩu học mục tiêu của bạn. Đối với các kế hoạch truyền thông trong Công cụ lập kế hoạch tiếp cận, dữ liệu người sử dụng dựa trên:
- Số người dùng trên dữ liệu điều tra dân số: Tổng số người trong nhóm nhân khẩu học mục tiêu và ở vị trí mục tiêu của bạn, dựa trên dữ liệu điều tra dân số.
- Số người dùng mạng Internet: Tổng số người trong nhóm nhân khẩu học mục tiêu và ở vị trí mục tiêu của bạn báo cáo đã sử dụng Internet trong 30 ngày qua.
- Số người xem truyền hình: Tổng số người trong nhóm nhân khẩu học mục tiêu và ở vị trí mục tiêu của bạn được báo cáo là đã xem truyền hình trong 30 ngày qua.
- Số người có thể tiếp cận qua YouTube: Tổng số người trong nhóm nhân khẩu học mục tiêu của bạn mà quảng cáo trên YouTube có thể tiếp cận trong khoảng thời gian trung bình là 30 ngày. Vị trí phụ hoặc đối tượng sẽ không có thông tin về số người dùng.
Trong Công cụ lập kế hoạch tiếp cận, khi bạn thay đổi nội dung về người sử dụng, các thông tin sau sẽ được cập nhật:
- Phần trăm phạm vi tiếp cận
- Quy mô người sử dụng
- Chỉ số “Tỷ lệ tiếp cận mục tiêu” (TRP) và “Chi phí cho mỗi tỷ lệ (tiếp cận mục tiêu)” (CPP)
Quy mô người sử dụng không ảnh hưởng đến số người mà kế hoạch truyền thông của bạn có thể tiếp cận. Tổng phạm vi tiếp cận của kế hoạch có thể lớn hơn một quy mô người dùng nhất định.
Ngưỡng xếp hạng quảng cáo: Định nghĩa
Ngưỡng xếp hạng quảng cáo là giá khởi điểm cho quảng cáo của bạn. Nếu giá thầu của bạn thấp hơn ngưỡng này, quảng cáo sẽ không xuất hiện. Nếu không có đối thủ cạnh tranh nào đủ điều kiện hiển thị quảng cáo, ngưỡng này (giá khởi điểm) sẽ là giá mà bạn phải trả cho lượt nhấp.
Google xác định ngưỡng này một cách linh hoạt tại thời điểm xảy ra mỗi phiên đấu giá dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm:
- Chất lượng quảng cáo: Để giúp duy trì trải nghiệm quảng cáo chất lượng cao cho người tiêu dùng, quảng cáo có chất lượng càng thấp thì ngưỡng này càng cao.
- Vị trí quảng cáo: Những quảng cáo xuất hiện ở vị trí cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm sẽ có ngưỡng cao hơn những quảng cáo ở vị trí thấp hơn trên trang đó. Bằng cách đó, khả năng mọi người nhìn thấy quảng cáo có chất lượng cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm sẽ cao hơn.
- Các thuộc tính và tín hiệu của người dùng như vị trí và loại thiết bị: Ngưỡng xếp hạng quảng cáo có thể khác nhau tùy theo thuộc tính người dùng, bao gồm cả vị trí của người dùng (ví dụ: ngưỡng này có thể khác nhau ở các quốc gia khác nhau) và loại thiết bị mà người dùng đang sử dụng (ví dụ: thiết bị di động/máy tính để bàn).
- Chủ đề và bản chất của cụm từ tìm kiếm: Ngưỡng xếp hạng quảng cáo có thể khác nhau tùy theo bản chất của cụm từ mà người dùng tìm kiếm. Ví dụ: ngưỡng của các cụm từ tìm kiếm liên quan đến đám cưới có thể khác với các cụm từ tìm kiếm về lớp học đan rổ.
- Phiên đấu giá liên quan: Ngưỡng cũng có thể phụ thuộc vào phiên đấu giá cho các truy vấn liên quan. Ví dụ: Ngưỡng xếp hạng quảng cáo cho cụm từ tìm kiếm [bảo hiểm xe hơi] có thể dựa trên thông tin từ phiên đấu giá cho các cụm từ tìm kiếm [bảo hiểm ô tô] và [bảo hiểm va chạm].
Các yếu tố này giúp đảm bảo rằng Google cân nhắc đúng đắn đến trải nghiệm người dùng, giá thầu của nhà quảng cáo và giá trị mà nhà quảng cáo mang lại cho lượt tương tác của người dùng với quảng cáo khi Google quyết định quảng cáo mà người dùng nhìn thấy và mức giá mà nhà quảng cáo phải trả.
Mức độ tác động của Ngưỡng xếp hạng quảng cáo đến CPC
Google tính CPC thực tế của bạn dựa trên Thứ hạng quảng cáo, bao gồm cả các ngưỡng và mức độ cạnh tranh của các nhà quảng cáo khác.
Nếu quảng cáo của bạn là quảng cáo duy nhất đủ điều kiện xuất hiện (ví dụ: vì không có đối thủ cạnh tranh nào đạt Ngưỡng xếp hạng quảng cáo của họ), bạn sẽ phải trả giá khởi điểm (ngưỡng này được làm tròn đến đơn vị nhỏ nhất có thể thanh toán ở quốc gia của bạn, chẳng hạn như làm tròn lên số xu tiếp theo ở Hoa Kỳ). Điều này có nghĩa là tùy thuộc vào chất lượng quảng cáo và Ngưỡng xếp hạng quảng cáo của bạn, quảng cáo có thể tương đối mắc tiền, ngay cả khi không có quảng cáo nào hiển thị ngay bên dưới.
Nhà xuất bản video
Trang web hiển thị nội dung video trực tuyến và thường tập trung mạnh vào nội dung video và chia sẻ video.
- Trang web của nhà xuất bản video là các trang web đối tác trong Mạng hiển thị của Google. YouTube là một ví dụ về trang web của nhà xuất bản video.
- Quảng cáo văn bản, quảng cáo hình ảnh và quảng cáo video của bạn có thể xuất hiện trên các trang web này và thậm chí đôi khi xuất hiện bên trong nội dung video trên trang web.
- Bạn nên nhắm mục tiêu quảng cáo của mình đến trang web và vị trí của nhà xuất bản video nếu mục tiêu doanh nghiệp của bạn là xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội hoặc truyền thông.
Nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh
Quá trình đối sánh quảng cáo với các trang web có liên quan trong Mạng hiển thị bằng cách sử dụng từ khóa hoặc chủ đề của bạn, trong số các yếu tố khác.
- Dưới đây là cách quá trình này hoạt động: Hệ thống của Google phân tích nội dung của từng trang web để xác định chủ đề trung tâm, sau đó được đối sánh với quảng cáo của bạn bằng cách sử dụng từ khóa, lựa chọn chủ đề, ngôn ngữ và nhắm mục tiêu theo vị trí của bạn, lịch sử duyệt web gần đây của khách truy cập và các yếu tố khác.
- Google Ads sử dụng nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh khi nhóm quảng cáo có từ khóa hoặc chủ đề và chiến dịch của nhóm quảng cáo được đặt để hiển thị quảng cáo trên Mạng hiển thị.
Nhắm mục tiêu theo vị trí
Một chế độ cài đặt cho phép bạn chọn các vị trí mục tiêu để tiếp cận khách hàng. Tìm hiểu cách nhắm mục tiêu quảng cáo đến các vị trí địa lý.
- Tính năng nhắm mục tiêu theo vị trí cho phép bạn chọn các vị trí cụ thể mà bạn muốn hiển thị quảng cáo.
- Theo mặc định, quảng cáo của bạn có thể hiển thị cho những người hiện đang ở, sinh sống ở (hoặc những người đã thể hiện sự quan tâm đến) các vị trí được nhắm mục tiêu của bạn. Ví dụ: nếu bạn sở hữu một tiệm bánh ở Paris và chọn Paris làm vị trí được nhắm mục tiêu, thì quảng cáo của bạn có thể hiển thị cho những người thường trú/tạm trú ở Paris hoặc cho những người thể hiện sự quan tâm đến các tiệm bánh ở Paris (hiện tại hoặc trước đây). Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các tùy chọn vị trí khác để giới hạn các loại vị trí mà bạn nhắm mục tiêu
- Đối với hầu hết các loại chiến dịch, bạn có thể chọn vị trí để quảng cáo của mình hiển thị. Ví dụ: bạn có thể chọn toàn bộ quốc gia, các khu vực trong một quốc gia, như thành phố hoặc vùng lãnh thổ, và thậm chí là bán kính xung quanh một vị trí. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn các vị trí trên Trang doanh nghiệp của mình. Google Ads cũng có thể đề xuất các vị trí liên quan mà bạn có thể chọn nhắm đến dựa trên chế độ cài đặt hiện tại của bạn.
- Bạn cũng có thể chọn vị trí để loại trừ trong chiến dịch nếu không muốn quảng cáo của mình xuất hiện ở các khu vực cụ thể.
- Phương pháp nhắm mục tiêu theo vị trí giúp bạn tập trung quảng cáo tại những khu vực mà bạn sẽ tìm thấy những khách hàng phù hợp cho doanh nghiệp của mình, nhờ đó có thể giúp bạn tăng lợi nhuận.
Lưu ý
Phương pháp nhắm mục tiêu theo vị trí dựa trên nhiều tín hiệu khác nhau (bao gồm tùy chọn cài đặt, thiết bị và hành vi của người dùng trên nền tảng của Google) và là nỗ lực của Google để phân phát quảng cáo đến những người dùng phù hợp với tùy chọn cài đặt vị trí của bạn. Do các tín hiệu này khác nhau, nên chúng tôi không thể đảm bảo độ chính xác 100% trong mọi tình huống.
Như thường lệ, bạn nên kiểm tra các chỉ số về hiệu quả hoạt động tổng thể để giúp đảm bảo các tùy chọn cài đặt đáp ứng các mục tiêu quảng cáo của bạn và thay đổi các tùy chọn cài đặt đó cho phù hợp.
Nhắm mục tiêu theo vị trí: Định nghĩa
Để cung cấp một cái nhìn toàn diện và thống nhất về phương pháp nhắm mục tiêu theo nội dung của bạn, cũng như để đơn giản hoá việc quản lý và tối ưu hoá phương pháp nhắm mục tiêu theo nội dung, chúng tôi đã cải tiến Google Ads như sau:
Mục “Nội dung” trong thanh điều hướng bên chứa tất cả các loại tiêu chí nhắm mục tiêu theo nội dung
- Từ giờ, các tuỳ chọn “Chủ đề”, “Vị trí”, “Từ khoá trong chiến dịch Hiển thị và Video” và “Loại trừ” cho tất cả các loại nhắm mục tiêu theo nội dung được phân loại trong thẻ “Nội dung” trong trình đơn điều hướng bên. Đối với tuỳ chọn “Loại trừ”, hãy nhấp vào mũi tên thả xuống
ở bên phải cụm từ “Loại trừ” để chọn các tiêu chí loại trừ cho chủ đề, vị trí hoặc từ khoá trong chiến dịch Hiển thị và chiến dịch Video.
Một phương pháp nhắm mục tiêu mà bạn có thể sử dụng để chọn trang web, video, kênh, ứng dụng và danh mục ứng dụng một cách cụ thể (thuộc YouTube và Mạng Hiển thị) mà bạn muốn hiển thị quảng cáo của mình. Không giống như các phương pháp nhắm mục tiêu khác (như phương pháp nhắm mục tiêu theo từ khóa hoặc theo chủ đề) vốn tự động đặt quảng cáo của bạn trên các trang web, phương pháp này cho phép bạn tự chọn các vị trí.
- Phương pháp nhắm mục tiêu theo vị trí là một tính năng không bắt buộc, giúp bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các trang web, video, kênh, ứng dụng và danh mục ứng dụng có thể hiển thị quảng cáo của bạn.
- Bạn có thể sử dụng phương pháp nhắm mục tiêu theo vị trí để chỉ định mức giá thầu riêng cho một trang web cụ thể. Nếu quảng cáo của bạn hoạt động hiệu quả khi xuất hiện trên một trang web nào đó, thì bạn có thể thêm trang web này làm vị trí và nâng giá thầu cho vị trí đó. Bằng cách thêm vị trí thông qua chế độ cài đặt “Thay đổi mức điều chỉnh giá thầu”, bạn có thể cải thiện mức độ cạnh tranh của giá thầu dành riêng cho vị trí cụ thể đó, và vẫn hiển thị quảng cáo ở các vị trí khác dựa trên các phương pháp nhắm mục tiêu khác (chẳng hạn như từ khóa và chủ đề).
- Nhờ sử dụng cả phương pháp nhắm mục tiêu theo vị trí và các phương pháp nhắm mục tiêu khác, bạn có thể thấy cả các vị trí tự động (các trang web, video và ứng dụng được chọn tự động để khớp với các phương pháp nhắm mục tiêu khác như chủ đề hoặc từ khóa) và các vị trí được nhắm mục tiêu trên trang “Vị trí” trong Google Ads.
Nhóm chiến dịch: Định nghĩa
Một nhóm chiến dịch có chung chỉ báo hiệu suất chính. Nhóm chiến dịch giúp bạn theo dõi hiệu suất chung của nhiều chiến dịch có các mục tiêu tương tự.
- Thiết lập mục tiêu hiệu suất để chỉ định các mục tiêu bằng số dùng chung cho tất cả các chiến dịch trong một nhóm chiến dịch.
- Theo dõi hiệu suất của nhóm chiến dịch để biết bạn có đi đúng hướng để đáp ứng được mục tiêu hiệu suất của mình hay không. Nếu không, bạn có thể xem xét điều chỉnh cài đặt của chiến dịch.
- Bạn có thể tạo các nhóm chiến dịch bằng kết hợp bất kỳ chiến dịch Tìm kiếm, Mua sắm, Hiển thị hoặc Video nào.
- Bạn chỉ có thể thêm một chiến dịch vào 1 nhóm chiến dịch mỗi lần. Một chiến dịch không được thuộc vào nhiều nhóm chiến dịch.
- Nhóm chiến dịch là tùy chọn—không phải mọi chiến dịch đều phải thuộc vào một nhóm chiến dịch.
- Không thể thêm bất cứ chiến dịch nào vào một nhóm chiến dịch bằng ngân sách dùng chung.
- Xóa chiến dịch khỏi nhóm chiến dịch sẽ xóa dữ liệu hiệu suất của chiến dịch đó khỏi nhóm chiến dịch.
- Tạo, xem và chỉnh sửa nhóm chiến dịch bằng cách nhấp vào Nhóm chiến dịch ở bảng điều hướng bên trái.
Nhóm quảng cáo: Định nghĩa
Một nhóm quảng cáo chứa một hoặc nhiều quảng cáo chia sẻ các mục tiêu tương tự.
- Mỗi chiến dịch của bạn được tạo thành từ một hoặc nhiều nhóm quảng cáo.
- Sử dụng nhóm quảng cáo để tổ chức các quảng cáo của bạn theo chủ đề chung. Ví dụ: thử tách riêng nhóm quảng cáo thành các loại sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau mà bạn cung cấp.
Nhóm sản phẩm
Tạo một nhóm sản phẩm để sắp xếp kho hàng của bạn trong Google Merchant Center. Bạn có thể tạo các nhóm sản phẩm trong một Chiến dịch mua sắm bằng cách sử dụng các thuộc tính có trong Google Ads và được lấy từ dữ liệu sản phẩm của bạn. Sau đó, bạn có thể đặt giá thầu cho các nhóm sản phẩm này.
Phạm vi tiếp cận đúng mục tiêu: Định nghĩa
Số người trong nhóm đối tượng mục tiêu đã xác định của chiến dịch mà bạn dự kiến sẽ tiếp cận. Phạm vi tiếp cận đúng mục tiêu dựa trên độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý của đối tượng mục tiêu.
Phạm vi tiếp cận đúng mục tiêu là số người tuyệt đối trong nhóm đối tượng mục tiêu đang được chiến dịch tiếp cận, trong khi tỷ lệ tiếp cận đúng mục tiêu là tỷ lệ phần trăm của nhóm đối tượng nhân khẩu học (dựa trên số liệu điều tra dân số) mà chiến dịch đang tiếp cận. Bạn có thể tính toán phần trăm phạm vi tiếp cận đúng mục tiêu bằng cách chia phạm vi tiếp cận đúng mục tiêu nhóm nhân khẩu học cho số lượng đối tượng đúng mục tiêu trong nhóm nhân khẩu học đó.
Ví dụ
Giả sử quảng cáo của bạn đã tiếp cận tổng cộng 5 triệu người ở Texas trong tổng số khoảng 30 triệu người sống ở Texas. Phần trăm phạm vi tiếp cận đúng mục tiêu của bạn sẽ là 16,7%.
Phân đoạn: Định nghĩa
Danh mục (như loại quảng cáo hoặc ngày trong tuần) mà bạn có thể thêm vào các bảng và biểu đồ của chiến dịch để tổ chức dữ liệu hiệu suất của bạn xung quanh tiêu chí đó.
- Bạn có thể thêm các phân đoạn “Thiết bị” và “Ngày trong tuần” để biết những ngày khách hàng có nhiều khả năng nhìn thấy quảng cáo của bạn trên thiết bị di động hơn.
- Sử dụng phân đoạn thời gian (chẳng hạn như giờ trong ngày hoặc các tháng cụ thể) để tách biệt các thay đổi trong hiệu suất của bạn. Ví dụ: nếu bạn phân đoạn dữ liệu theo ngày trong tuần và thấy rằng hiệu suất quảng cáo của mình khác nhau đáng kể vào các ngày thứ Bảy, bạn có thể sửa đổi giá thầu cho tài khoản để thay đổi hành vi của người dùng.
- Tùy chọn phân đoạn có sẵn tùy thuộc vào việc bạn đang xem bảng từ khóa, quảng cáo, nhóm quảng cáo hay chiến dịch của mình.
Lưu ý
Phân khúc kết hợp: Định nghĩa
Một chế độ cài đặt nhắm mục tiêu cho phép bạn tiếp cận đối tượng phù hợp nhờ kết hợp nhiều thuộc tính đối tượng, chẳng hạn như thông tin chi tiết về nhân khẩu học và mối quan tâm, để tạo ra “chân dung” của phân khúc đối tượng mục tiêu của bạn.
Bạn có thể tạo một danh sách các phân khúc kết hợp để truy cập vào bất cứ lúc nào từ bộ chọn đối tượng. Bạn có thể chỉnh sửa, xoá hoặc sử dụng lại phân khúc kết hợp cho nhiều chiến dịch hoặc nhóm quảng cáo.
Phiên đấu giá
Quá trình xảy ra với mỗi tìm kiếm của Google để quyết định xem quảng cáo nào sẽ xuất hiện cho tìm kiếm cụ thể đó và thứ tự các quảng cáo đó sẽ hiển thị trên trang (hay quảng cáo bất kỳ có hiển thị hay không).
- Mỗi khi quảng cáo Google Ads đủ điều kiện để xuất hiện cho tìm kiếm, quảng cáo sẽ trải qua phiên đấu giá quảng cáo. Phiên đấu giá xác định liệu quảng cáo có thực sự hiển thị hay không và vị trí quảng cáo đó sẽ hiển thị trên trang hay không.
- Dưới đây là cách phiên đấu giá hoạt động:
- Khi có ai đó tìm kiếm, hệ thống Google Ads sẽ tìm tất cả các quảng cáo có từ khóa khớp với tìm kiếm đó.
- Từ những quảng cáo đó, hệ thống bỏ qua mọi quảng cáo không đủ điều kiện, như quảng cáo nhắm mục tiêu quốc gia khác hoặc bị từ chối do vi phạm chính sách.
- Trong số những quảng cáo còn lại, chỉ những quảng cáo có Xếp hạng quảng cáo đủ cao mới có thể hiển thị. Xếp hạng quảng cáo là kết hợp của giá thầu, chất lượng quảng cáo, ngưỡng Xếp hạng quảng cáo, ngữ cảnh tìm kiếm của người đó và tác động dự kiến của các tiện ích và định dạng quảng cáo khác.
- Điều quan trọng nhất cần nhớ là ngay cả khi đối thủ cạnh tranh của bạn đặt giá thầu cao hơn bạn, bạn vẫn có thể giành được vị trí cao hơn — ở mức giá thấp hơn — với từ khóa và quảng cáo có liên quan cao.
- Vì quá trình đấu giá được lặp lại cho mỗi tìm kiếm trên Google, mỗi phiên đấu giá có khả năng có kết quả khác nhau tùy thuộc vào đối thủ cạnh tranh tại thời điểm đó. Vì vậy, việc bạn thấy một số biến động trong vị trí của quảng cáo trên trang và quảng cáo của bạn hiển thị hay hoàn toàn không hiển thị là điều bình thường.
Phương pháp nhắm mục tiêu
Phương pháp nhắm mục tiêu xác định nơi quảng cáo của bạn có thể hiển thị và ai được phép xem chúng. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp nhắm mục tiêu trong nhóm quảng cáo, chẳng hạn như từ khóa và vị trí được quản lý.
Trên Mạng hiển thị, đối với từng nhóm quảng cáo riêng lẻ, bạn có thể chọn xem bạn có muốn thêm phương pháp nhắm mục tiêu để hiển thị quảng cáo và đặt giá thầu hay chỉ đặt giá thầu. Ví dụ: nếu bạn thêm vị trí vào nhóm quảng cáo, bạn có thể chọn một trong hai tùy chọn sau:
- Chỉ hiển thị quảng cáo ở những vị trí này (mặc định): Quảng cáo của bạn sẽ được nhắm mục tiêu dựa trên phương pháp bạn chọn và sẽ chỉ hiển thị nếu một trong các vị trí bạn đã thêm được đối sánh.
- Hiển thị quảng cáo trên tất cả các vị trí đủ điều kiện: Hiển thị quảng cáo dựa trên phương pháp nhắm mục tiêu khác của bạn, nhưng đặt giá thầu trên phương pháp này để tăng cơ hội hiển thị của bạn ở đó.
Phương thức thanh toán
Hình thức bạn sử dụng để thanh toán chi phí của mình, chẳng hạn như thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản ngân hàng.
- Phương thức thanh toán có sẵn cho bạn sẽ tùy thuộc vào đơn vị tiền tệ và quốc gia của bạn. Bạn sẽ thấy phương thức thanh toán nào có sẵn cho mình khi đăng ký Google Ads.
- Tất cả tài khoản đều có phương thức thanh toán chính, nhưng bạn có thể thêm các hình thức khác nếu bạn muốn. Bạn cũng có thể thêm thẻ tín dụng dự phòng, thẻ này sẽ giữ cho quảng cáo tiếp tục chạy trong trường hợp có sự cố khi xử lý phương thức thanh toán chính của bạn.
Quảng cáo dạng hình ảnh: Định nghĩa
Một loại quảng cáo có chứa một hình ảnh để quảng bá doanh nghiệp của bạn.
- Quảng cáo dạng hình ảnh bao gồm một hình ảnh (do bạn cung cấp) chứa thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, dịch vụ hoặc sản phẩm của bạn. Khi người dùng nhấp vào một vị trí bất kỳ trên quảng cáo đó, họ sẽ được đưa đến trang web của bạn.
- Quảng cáo dạng hình ảnh có thể xuất hiện trên trang web và các vị trí khác trong Mạng Hiển thị.
- Bạn có thể dùng hình ảnh tĩnh, động hoặc GIF ở nhiều kích thước trong quảng cáo dạng hình ảnh.
- Để chạy quảng cáo dạng hình ảnh, hãy tạo hình ảnh rồi tải tệp đó lên tài khoản Google Ads của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng Thư viện mẫu quảng cáo (công cụ miễn phí của chúng tôi) để tạo hình ảnh từ những mẫu hiện có.
Quảng cáo đáp ứng: Định nghĩa
Quảng cáo đáp ứng tự động điều chỉnh kích thước, giao diện và định dạng cho vừa với không gian quảng cáo có sẵn. Vì vậy, một quảng cáo đáp ứng có thể xuất hiện dưới dạng quảng cáo văn bản nhỏ ở một nơi và quảng cáo hình ảnh lớn ở một nơi khác.
- Để tạo quảng cáo, các nhà quảng cáo sẽ nhập nội dung của họ (ví dụ: tiêu đề, mô tả, hình ảnh và biểu trưng). Sau đó, Google Ads sẽ tự động tạo quảng cáo mà mọi người thấy.
- Quảng cáo đáp ứng vừa với mọi không gian quảng cáo trên Mạng hiển thị và có thể có định dạng gốc để phù hợp với giao diện của các trang web mà các quảng cáo đó hiển thị.
Quảng cáo gốc: Định nghĩa
Quảng cáo gốc sử dụng định dạng hoặc tông của trang web mà chúng hiển thị trên đó, với mục tiêu tạo ra trải nghiệm người dùng liền mạch.
Quảng cáo đáp ứng có thể hiển thị ở dạng hình ảnh hoặc văn bản. Chúng tự động sử dụng chất lượng của trang web của nhà xuất bản, nhà quảng cáo không cần thực hiện thêm bất kỳ thao tác nào.
Quảng cáo lớp phủ văn bản
Quảng cáo văn bản được hiển thị cùng với nội dung video trên các trang web Mạng hiển thị.
- Quảng cáo văn bản thông thường của bạn sẽ được xem là quảng cáo lớp phủ văn bản khi bạn nhắm mục tiêu quảng cáo văn bản để hiển thị cùng với video trực tuyến trên Mạng hiển thị. Điều này sẽ tự động xảy ra nếu bạn cho phép chiến dịch xuất hiện trên mạng mà không thay đổi cài đặt mạng của mình. Bạn cũng có thể sử dụng Công cụ lập kế hoạch hiển thị để nhận ý tưởng về vị trí đặt video trong các video hoặc trên các trang web video.
- Những quảng cáo này thường sẽ xuất hiện bên trong trình phát video hoặc bên trong 20% không gian phát cuối của luồng video.
- Quảng cáo lớp phủ văn bản có thể giúp bạn nâng cao nhận thức về thương hiệu của mình và thu hút người xem thông qua nội dung video, dạng nội dung web rất phổ biến.
Quảng cáo mua sắm sản phẩm: Định nghĩa
Loại quảng cáo có thông tin về một sản phẩm, chẳng hạn như hình ảnh, tiêu đề, giá và đường liên kết đến cửa hàng của bạn. Thông tin sản phẩm được gửi thông qua một tài khoản Google Merchant Center được liên kết.
Bạn có thể tạo những quảng cáo này thông qua Chiến dịch mua sắm và chúng có thể xuất hiện trên tài sản Google Mua sắm, Google Tìm kiếm và Đối tác tìm kiếm của Google.
Quảng cáo Mua sắm: Định nghĩa
Loại quảng cáo mô tả thông tin chi tiết về một số sản phẩm mà bạn bán.
Để tạo quảng cáo Mua sắm, bạn cần thiết lập thông tin sản phẩm trong Google Merchant Center và tạo Chiến dịch mua sắm trong Google Ads.
Quảng cáo trên điện thoại di động
Loại quảng cáo Google Ads có thể xuất hiện trên các trang web và ứng dụng được xem trên thiết bị di động như điện thoại di động hoặc máy tính bảng.
Đối với Google Ads, “di động” được định nghĩa là nơi quảng cáo có thể xuất hiện: trên “thiết bị “di động”. Các thiết bị này bao gồm thiết bị di động cao cấp có màn hình nhỏ hơn như điện thoại thông minh.
- Có một số loại quảng cáo trên thiết bị di động, kể cả quảng cáo chỉ dành cho cuộc gọi, quảng cáo quảng bá ứng dụng và nhiều quảng cáo khác.
- Các quảng cáo này chỉ được hiển thị trên thiết bị di động. Bạn tạo riêng các quảng cáo này cho máy tính bảng hoặc điện thoại di động.
- Quảng cáo có thể xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên thiết bị di động, trên trang web được tối ưu hóa cho thiết bị di động, trên YouTube hay thậm chí trong ứng dụng dành cho thiết bị di động khác.
- Dựa vào loại chiến dịch của bạn, các quảng cáo này có thể ở định dạng văn bản, hình ảnh, video, chỉ cuộc gọi hoặc ứng dụng/nội dung kỹ thuật số.
Quảng cáo văn bản
Quảng cáo văn bản là hình thức truyền thông tiếp thị nhà quảng cáo có thể sử dụng để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ của mình trên Mạng Google.
Nơi quảng cáo văn bản xuất hiện
Những quảng cáo này có thể xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của Google và trên toàn bộ Mạng Google, bao gồm Mạng tìm kiếm, đối tác tìm kiếm và Mạng hiển thị. Quảng cáo văn bản có thể trông khác nhau trên Mạng hiển thị hoặc trên thiết bị di động.
Xin lưu ý rằng, quảng cáo văn bản thường xuất hiện với ngôn ngữ gắn nhãn chúng là quảng cáo để người xem hiểu rằng các liên kết này là quảng cáo trả tiền.
Số chuyển tiếp Google
Số chuyển tiếp Google là số điện thoại duy nhất của Google có thể dùng trong quảng cáo của bạn để giúp theo dõi các cuộc gọi đến doanh nghiệp của bạn. Bạn có thể sử dụng tính năng này bằng cách bật tính năng báo cáo cuộc gọi trong phần cài đặt tài khoản của mình.
Những quốc gia có sẵn số chuyển tiếp Google
Những quốc gia sau có thể sử dụng số chuyển tiếp Google:
Quốc kỳ |
Tên quốc gia |
Số điện thoại miễn cước |
Số địa phương |
Argentina | |||
Úc | |||
Bỉ | |||
Brazil | |||
Canada | |||
Chile | |||
Colombia | |||
Cộng hòa Séc | |||
Đan Mạch | |||
Pháp | |||
Đức | |||
Hungary | |||
Ấn Độ | |||
Indonesia | |||
Ireland | |||
Israel | |||
Ý | |||
Nhật Bản | |||
Mêhicô | |||
Ba Lan | |||
Bồ Đào Nha | |||
Rumani | |||
Nga | |||
Slovakia | |||
Nam Phi | |||
Tây Ban Nha | |||
Thụy Điển | |||
Thụy Sĩ | |||
Vương quốc Anh | |||
Hoa Kỳ |
*Số điện thoại miễn cước tương đương với một số ở địa phương
**Trong một số cuộc gọi, dịch vụ nhận dạng người gọi sẽ hiển thị số của Google, chứ không hiển thị số của khách hàng
‡Tại Nhật Bản, nhà cung cấp dịch vụ của bạn là Google Connect Asia Pacific Pte. Ltd.
*Số điện thoại không tính phí tương đương với số địa phương
** Tên nhận dạng người gọi hiển thị số Google (không phải số của khách hàng)
Cách hoạt động
Khi bạn bật tính năng báo cáo cuộc gọi, Google sẽ cung cấp một số điện thoại duy nhất. Số điện thoại này hiển thị cùng với quảng cáo hoặc phần mở rộng của bạn. Nếu một khách hàng tiềm năng gọi điện hoặc nhắn tin đến số điện thoại này, Google Ads sẽ định tuyến cuộc gọi hoặc tin nhắn đến số điện thoại doanh nghiệp của bạn. Sau đó, bạn có thể xem báo cáo chi tiết về các cuộc gọi hoặc tin nhắn được tạo từ quảng cáo của mình.
Giới thiệu về số điện thoại
Bất cứ khi nào có thể, số chuyển tiếp Google sẽ sử dụng mã vùng hoặc số tiền tố giống với doanh nghiệp của bạn. Nếu không, mã vùng của số điện thoại địa phương hoặc tiền tố cho vùng địa lý của bạn sẽ được sử dụng. Trong một số trường hợp, số chuyển tiếp Google địa phương có thể không hoạt động. Khi điều này xảy ra, quảng cáo của bạn sẽ hiển thị số chuyển tiếp Google không tính phí. Số chuyển tiếp Google là số điện thoại không tính phí, tương đương với số địa phương, hoặc là số địa phương.
Số chuyển tiếp sẽ không hoạt động ở đâu
Mạng hiển thị: Phần mở rộng về cuộc gọi nhắm mục tiêu Mạng Hiển thị không hỗ trợ số chuyển tiếp Google hoặc theo dõi cuộc gọi dưới dạng lượt chuyển đổi.
Quảng cáo có lưu lượng truy cập thấp: Số chuyển tiếp Google có thể không hiển thị với quảng cáo trên máy tính nếu nhóm quảng cáo của bạn không nhận được số lượt nhấp tối thiểu trong khoảng thời gian 4 tuần. Số điện thoại doanh nghiệp của bạn sẽ hiển thị trong trường hợp đó (không có yêu cầu tối thiểu đối với quảng cáo trên thiết bị di động cao cấp).
Bên ngoài Google Ads: Bạn không được sao chép và quảng cáo số chuyển tiếp Google bên ngoài Google Ads. Các số này là tài sản của Google và có thể thay đổi hoặc được chỉ định lại bất cứ lúc nào.
Câu hỏi thường gặp
Số điện thoại nào sẽ hiển thị trong quảng cáo của tôi khi tôi bật tính năng báo cáo cuộc gọi?
Đối với lưu lượng truy cập trên thiết bị di động, số điện thoại doanh nghiệp của bạn sẽ xuất hiện trong quảng cáo. Sau khi nhấp vào quảng cáo, người dùng sẽ thấy số chuyển tiếp Google trong chương trình gọi điện của họ.
Đối với lưu lượng truy cập trên máy tính và máy tính bảng, Số chuyển tiếp Google có thể xuất hiện trong quảng cáo, nhưng cũng có thể không xuất hiện nếu nhóm quảng cáo của bạn không nhận được số lượt nhấp tối thiểu trong khoảng thời gian 4 tuần.
Làm cách nào để xóa Số chuyển tiếp Google trong quảng cáo của tôi?
Bạn có thể xóa số chuyển tiếp bằng cách tắt tính năng báo cáo cuộc gọi. Khi thay đổi này được thực hiện, quảng cáo sẽ hiển thị số điện thoại doanh nghiệp của bạn thay vì số chuyển tiếp. Xin lưu ý rằng bạn sẽ không thể xem các báo cáo về cuộc gọi hoặc tin nhắn có liên quan nếu không dùng tính năng báo cáo cuộc gọi hoặc báo cáo về phần mở rộng tin nhắn.
Tôi có thể dùng cố định một Số chuyển tiếp Google cho quảng cáo của mình không?
Số chuyển tiếp Google được thiết kế để theo dõi hiệu suất quảng cáo cuộc gọi hoặc tin nhắn của bạn và số này có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, bạn không nên sao chép hoặc quảng cáo Số chuyển tiếp Google bên ngoài chiến dịch quảng cáo của mình bằng Google Ads.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó gọi đến số chuyển tiếp Google, lưu số đó và gọi lại sau?
Các cuộc gọi sẽ vẫn kết nối với doanh nghiệp trong 60 ngày kể từ cuộc gọi ban đầu của người dùng. Mỗi lần người dùng gọi điện trong khoảng thời gian đó, khoảng thời gian 60 ngày sẽ được đặt lại và số đó sẽ vẫn được kết nối trong 60 ngày tiếp theo. Sau khi hết 60 ngày, số này sẽ không còn định tuyến các cuộc gọi đến doanh nghiệp nữa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó không gọi điện sau khi nhấp vào quảng cáo, ghi lại số chuyển tiếp Google và gọi lại sau?
Nếu người dùng gọi đến số chuyển tiếp Google trong vòng 2 giờ, cuộc gọi sẽ kết nối. Sau 2 giờ, cuộc gọi sẽ không được chuyển đến doanh nghiệp và số chuyển tiếp Google có thể được phân bổ lại. Hãy nhớ rằng đây là trường hợp hiếm gặp, vì hầu hết các cuộc gọi diễn ra trong vòng 5 phút sau khi người dùng nhìn thấy số chuyển tiếp Google trong quảng cáo hoặc trên trang web.
Số D-U-N-S
Số có chín chữ số xác định các doanh nghiệp trên toàn thế giới, được gọi là Hệ thống mã số dữ liệu toàn cầu.
- Nếu bạn đăng ký cài đặt thanh toán lập hóa đơn hàng tháng, chúng tôi sẽ yêu cầu số D-U-N-S của bạn. Số này không bắt buộc áp dụng, nhưng số này giúp nhóm Lập hóa đơn và Thanh toán của chúng tôi đánh giá đơn đăng ký của bạn.
- D-U-N-S là hệ thống được công nhận toàn cầu, được phát triển bởi Dun & Bradstreet (D&B), sẽ chỉ định một số nhận dạng duy nhất cho các doanh nghiệp.
- Bạn có thể tìm thấy số này hoặc đăng ký một số miễn phí bằng cách truy cập vào trang web của D&B tại www.dnb.com.
Số lượt hiển thị đủ điều kiện của Quảng cáo khách sạn: Định nghĩa
Tổng số cơ hội mà Quảng cáo khách sạn của bạn đủ điều kiện để hiển thị (tức là được tham gia phiên đấu giá) dựa trên tiêu chí nhắm mục tiêu trong khoảng thời gian quy định.
Số xác minh thẻ (CVN)
Số bảo mật có ba chữ số thường xuất hiện ở mặt sau của thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của bạn. Đôi khi được gọi là mã bảo mật thẻ hoặc giá trị xác minh thẻ, số này cung cấp thêm sự bảo vệ chống lại gian lận.
- Khi được yêu cầu CVN, hãy chắc chắn nhập đúng số đó, nếu không bạn không thể thanh toán thành công.
- CVN có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên mỗi thẻ. Thông thường, bạn có thể tìm CVN ở mặt sau của thẻ, gần hoặc bên cạnh vùng nơi bạn có thể thêm chữ ký của mình. Một số thẻ hiển thị CVN ở mặt trước, gần số tài khoản của bạn.
- Bạn nên thêm thẻ tín dụng dự phòng vào tài khoản Google Ads của mình phòng trường hợp có sự cố với phương thức thanh toán chính.
Sự nổi bật
Sự nổi bật là ước tính khả năng hiển thị của quảng cáo trên trang kết quả tìm kiếm. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự nổi bật bao gồm:
- Vị trí quảng cáo: Quảng cáo ở vị trí cao hơn thì nổi bật hơn do mọi người có nhiều khả năng nhìn thấy quảng cáo hơn. Nói chung, quảng cáo nhận được nhiều nhấp chuột hơn khi nó di chuyển đến vị trí quảng cáo cao hơn.
- Định dạng quảng cáo: Quảng cáo có định dạng quảng cáo thì nổi bật hơn quảng cáo không có định dạng quảng cáo do định dạng thường thu hút nhiều sự chú ý hơn đến quảng cáo và tăng số nhấp chuột lên quảng cáo.
Sự nổi bật chủ yếu được đo lường theo sự thay đổi trung bình về tỷ lệ nhấp (CTR) nhờ thêm định dạng quảng cáo hoặc di chuyển đến vị trí cao hơn. Giá trị duy nhất của các tương tác khác, chẳng hạn như cuộc gọi từ quảng cáo nhấp để gọi, cũng có thể đóng góp vào sự nổi bật.
Tài khoản Google: Định nghĩa
Bạn có thể sử dụng tên người dùng và mật khẩu chung trên Google để truy cập vào các sản phẩm khác nhau, kể cả Google Ads.
- Tài khoản Google của bạn cũng chứa thông tin áp dụng trên các sản phẩm, chẳng hạn như ngôn ngữ ưa thích của bạn và một số cài đặt bảo mật.
- Nếu bạn đã tạo tài khoản Google Ads hoặc đã đăng nhập để truy cập vào bất kỳ sản phẩm nào của Google thì khi đó bạn đã tạo Tài khoản Google.
- Tài khoản Google có thể được liên kết với tối đa 5 tài khoản Google Ads, bao gồm cả tài khoản người quản lý.
- Bạn có thể xem và thay đổi thông tin trong Tài khoản Google bất cứ lúc nào bằng cách đăng nhập tại google.com/accounts
Tần suất: Định nghĩa
Số lần tối thiểu một người dùng đã xem quảng cáo của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu muốn giới hạn số lần quảng cáo hiển thị hình ảnh hoặc quảng cáo video xuất hiện cho người dùng, bạn có thể đặt giới hạn tần suất.
Tất cả chuyển đổi: Định nghĩa
Tính toán tất cả các chuyển đổi mà Google Ads thúc đẩy cho doanh nghiệp của bạn.
- “Tất cả chuyển đổi” bao gồm dữ liệu trong cột “Chuyển đổi” và hành động chuyển đổi mà bạn đã chọn không bao gồm trong cột “Chuyển đổi” của mình. Tất cả chuyển đổi cũng bao gồm các chuyển đổi thiết bị chéo, lượt ghé qua cửa hàng, một số cuộc gọi điện thoại nhất định, v.v.
- Khi đã thiết lập theo dõi chuyển đổi, bạn sẽ thấy cột “Tất cả chuyển đổi” trong báo cáo của mình.
- So sánh “Tất cả chuyển đổi” vào cột “Chuyển đổi” thường xuyên của bạn để xem toàn bộ các chuyển đổi có được nhờ quảng cáo của bạn, bao gồm chuyển đổi thiết bị chéo và các loại mà bạn đã chọn không đưa vào “Chuyển đổi”. Điều này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cách người dùng tương tác với doanh nghiệp của bạn và giúp bạn tính toán hiệu quả hơn về quảng cáo.
Tên miền
Phần cốt lõi của URL trang web (địa chỉ Internet của trang web). Trong URL “www.google.com/ads”, tên miền là “google.com”.
- Tên miền thường được tạo thành từ hai phần: tên (như “google”) và loại (như “.com”) kết hợp để tạo thành tên miền như “google.com”. Tên miền có thể sử dụng các loại ngành, chẳng hạn như .edu và .gov, loại quốc gia, chẳng hạn như .fr hay .jp hoặc kết hợp cả hai.
- Có thể có nhiều trang hoặc trang web trong một tên miền. Ví dụ: tất cả trang web sau đây chia sẻ tên miền “google.com.vn:”
www.google.com.vn
www.google.com.vn/ads
support.google.com.vn/google-ads - Google Ads có một số chính sách liên quan đến URL và tên miền mà bạn bao gồm trong quảng cáo của mình. Ví dụ: tất cả các quảng cáo trong một nhóm quảng cáo cụ thể cần phải sử dụng cùng tên miền trong URL hiển thị của chúng.
Tên miền phụ: Định nghĩa
Tập hợp con của một tên miền lớn hơn được sử dụng để tổ chức một trang web hiện có thành một URL trang khác.
Tên miền phụ thường nằm ở đầu URL. Ví dụ: “support.google.com” là tên miền phụ của “google.com”.
Tệp CSV: Định nghĩa
Tệp CSV (giá trị được phân cách bằng dấu phẩy) là một tệp văn bản có định dạng cụ thể cho phép dữ liệu được lưu ở định dạng có cấu trúc bảng.
Tệp dữ liệu khách hàng: Định nghĩa
Tệp dữ liệu khách hàng là tệp được tải lên Google Ads chứa dữ liệu về khách hàng của bạn.
Thanh toán thủ công
Cài đặt thanh toán mà bạn phải thanh toán cho chi phí quảng cáo trước khi quảng cáo của bạn chạy. Sau đó, khi quảng cáo của bạn chạy, chi phí được khấu trừ từ khoản mà bạn đã thanh toán.
- Chúng tôi có thể thông báo cho bạn bằng email khi số dư tài khoản của bạn bắt đầu cạn và bạn có thể thực hiện một thanh toán khác bất cứ khi nào bạn muốn.
- Hình thức thanh toán mà bạn có thể sử dụng để thanh toán thủ công sẽ tùy thuộc vào đơn vị tiền tệ và vị trí trong địa chỉ doanh nghiệp của bạn.
- Nếu bạn muốn được tính phí tự động sau khi quảng cáo của mình chạy, bạn có thể sử dụng cài đặt thanh toán tự động.
- Bắc Mỹ
- Canada
- Hoa Kỳ
- Nam Mỹ
- Chile
- Châu Phi
- Nam Phi
- Châu Âu
- Áo
- Bỉ
- Séc
- Đan Mạch
- Phần Lan
- Pháp
- Đức
- Hy Lạp
- Ireland
- Ý
- Luxembourg
- Hà Lan
- Na Uy
- Bồ Đào Nha
- Ba Lan
- Tây Ban Nha
- Thụy Điển
- Thụy Sĩ
- Vương quốc Anh
- Trung Đông
- Israel
- Ả Rập Xê Út
- Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
- Châu Á – Thái Bình Dương
- Úc
- Hong Kong
- Nhật Bản
- Malaysia
- New Zealand
- Singapore
Thanh toán tổng hợp
Tùy chọn thanh toán cho phép bạn nhận một hóa đơn cho các chi phí từ nhiều tài khoản Google Ads.
- Thanh toán tổng hợp là tùy chọn phổ biến dành cho những đại lý, người bán lại và các nhà quảng cáo lớn khác quản lý nhiều tài khoản, muốn tổ chức tốt hơn hóa đơn của họ và sử dụng tùy chọn cài đặt thanh toán lập hóa đơn hàng tháng.
- Bạn cần có hoặc tạo tài khoản